Chúng ta đều biết ăn cá thường xuyên rất tốt cho sức khỏe tổng thể. Cụ thể các giáo sư của trường Y tế Công cộng Harvard Dariush Mozaffarian và Eric Rimm đã tính toán rằng ăn khoảng 2 gram axit béo omega-3 mỗi tuần trong cá giúp giảm hơn một phần ba khả năng tử vong vì bệnh tim. Những axit béo omega-3 này có thể giúp giảm huyết áp, giảm nhịp tim, cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người chăm chỉ ăn cá có tốc độ suy giảm tinh thần chậm, kiểm soát trí nhớ tốt hơn. Ăn cá 1-2 lần/tuần giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm trong cơ thể, có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ, trầm cảm, bệnh Alzheimer và các tình trạng mãn tính khác.
Thịt cá tốt là vậy nhưng trong một số trường hợp nó lại trở thành “chất độc”, nguyên nhân là ở cách chế biến. Dưới đây là 5 loại cá chớ ăn nhiều mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên hạn chế ăn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cá khô
Cá khô được làm theo cách truyền thống thường được tẩm ướp qua nước muối hoặc gia vị để tăng thêm phần đậm đà cho món ăn cũng như tăng thời gian bảo quản. Nếu ăn thường xuyên hoặc ăn nhiều cá khô đồng nghĩa với việc cơ thể đang nạp vào lượng lớn muối. Lượng natri trong cơ thể tăng cao sẽ khiến huyết áp tăng. Khi huyết áp tăng cao có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch, từ đó khiến cho các cơ quan của cơ thể bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến bị tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt với những người bị huyết áp cao và bệnh tim mạch, khi ăn quá nhiều muối có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Hơn nữa thực tế các loại động vật khi chết sau 1 giờ đã bị phân hủy, đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (thường xuất hiện với cá biển), nếu bảo quản không tốt lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay. Chưa kể trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc độc hại có thể phát triển trên cá khô. Chất này có thể không gây dị ứng tức thời mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, thậm chí có thể gây ung thư.
Hiện nay, vì lợi nhuận các tiểu thương kinh doanh cá khô sẵn sàng sử dụng thêm các loại hóa chất bảo quản để trộn, tẩm ướp vào cá. Do đó việc ăn những loại cá này lâu dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Cá sống
Cá sống dưới nước, ăn tạp nên rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống trong môi trường nước. Thịt cá nếu không trải qua quá trình chế biến dưới nhiệt độ cao thì các chất độc hại còn lại càng nhiều. Các chất độc này tích lũy lâu ngày trong cơ thể có thể dẫn đến nguy cơ mắc dị ứng, tim mạch, suy gan, thận, bệnh về đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, gan mật phát bệnh chủ yếu là do bệnh sán lá gan. Ăn các món sống hoặc chưa nấu chín sẽ mang theo sán lá gan vào cơ thể, nhất là khi ăn thủy sản nước ngọt như cá, tôm, ốc, các loại dễ nhiễm ký sinh trùng do môi trường sống ô nhiễm. Ký sinh trùng có thể lây sang cơ thể người, thậm chí cư trú trong ruột nhiều năm, phát triển tới chiều dài 1-2 m và gây ra những hệ lụy khôn lường.
Cá chiên, nướng quá lâu hoặc nhiều lần
Khi nướng, chiên cá nhiều lần hoặc quá lâu, chất béo trong thịt cá sẽ bị oxy hóa một lượng lớn tạo ra các chất có hại như benzopyrene. Tiêu thụ lượng lớn chất này có thể làm tăng nguy cơ suy tim hoặc ung thư thực quản. Ngoài ra sau thời gian dài chiên (nướng), một lượng lớn protein vitamin, khoáng chất có trong thịt cá dễ bị phá hủy, ảnh hưởng đến sự hấp thụ trong cơ thể con người, dễ làm tăng purin, không tốt cho người bị gút.
Ngoài ra khói xuất hiện trong quá trình nướng sẽ sinh ra một số chất độc hại, ăn nhiều trong thời gian dài có khả năng gây ung thư. Tuy vậy bạn vẫn có thể ăn cá nướng nhưng đừng ăn quá thường xuyên và không nên ăn cá nướng quá lửa.
Cá có kích cỡ quá lớn
Cá to chưa chắc thịt đã ngon, hơn nữa cá sống trong môi trường nước quá lâu, trong khi nguồn nước hiện nay lại dễ bị ô nhiễm nên thịt cá có thể chứa nhiều độc tố, kim loại nặng và rác thải. Do đó, tốt nhất bạn không nên ham mua hay ăn những con cá ngoại cỡ.
Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Khi ăn những loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như một số loài cá biển sâu thường không gây phản ứng bất lợi quá lớn nhưng thủy ngân có thể tích tụ trong cơ thể con người, tiêu thụ lâu dài có thể gây nguy cơ ngộ độc thủy ngân. Ngộ độc thủy ngân gây tổn thương niêm mạc miệng, răng và làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, thận.
Minh Hoa (t/h)