5 xu hướng bán hàng của tương lai số

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 4, 26/01/2022 20:35

Thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

Lazada Việt Nam mới đây đã ra báo cáo "Thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19", tổng hợp những dữ liệu về ngành thương mại điện tử tại Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng và đưa ra các xu hướng bán hàng của tương lai số.

Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt 13 tỷ USD năm 2021

Bất chấp những thách thức từ dịch Covid-19, 2021 được xem là năm khởi sắc với nền kinh tế số trên toàn Đông Nam Á, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) là động lực tăng trưởng chính. Theo Statista, giá trị thị trường TMĐT ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 234 tỷ USD năm 2025. Thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng mạnh với 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD năm 2025.

Lý giải cho sự phát triển của TMĐT trong năm qua, báo cáo ghi nhận động lực tăng trưởng đến từ xu hướng mua hàng bách hóa trên sàn TMĐT, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới (đồng nghĩa ngày càng nhiều nhà bán mong muốn phát triển kinh doanh trên kênh online) và sự hưởng ứng của người dân dành cho các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí.

Đặc biệt, sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống logistics (hậu cần) nội bộ đã giúp các nền tảng TMĐT giải được bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng hóc búa trong năm qua.

Năm 2021, người dân đã thay đổi nhiều thói quen và hành vi tiêu dùng. Cụ thể, 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hoá trên nền tảng TMĐT bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Dữ liệu cho thấy tỉ lệ người tiêu dùng trực tuyến mua sắm trên 5 triệu đồng trong năm 2020 tăng lên đáng kể so với năm 2019. 

Phân tích những thay đổi trong đối tượng nhà bán hàng, báo cáo nhận thấy các nền tảng TMĐT thu hút nhiều nhà bán hàng hơn, đặc biệt từ ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG. Hai báo cáo gần đây của Lazada Việt Nam cho thấy số lượng nhà bán hàng trong quý II/2021 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục tăng hơn 1,5 lần trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước.

Quý III/2021 cũng chứng kiến các thương hiệu thực phẩm và đồ uống (F&B) lớn tham gia kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Điều này góp phần mang đến mức tăng trưởng cao nhất về số lượng người bán trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) năm 2021.

Bên cạnh đó, số lượng nhà bán hàng mới ở các khu vực phi thành thị cũng tăng đáng kể trong năm qua. Theo thống kê mới nhất của Lazada, 11 tháng đầu năm 2021, có tới 40% nhà bán hàng mới trên nền tảng này đến từ các khu vực phi thành thị, trong khi số lượng nhà bán hàng mới đến từ Hà Nội và Tp.HCM lần lượt là 29% và 31%.

Các chuyên gia cũng phân tích sự khác biệt cơ bản giữa kinh doanh trực tuyến và ngoại tuyến chính là trải nghiệm và kết nối. Không giống với mua sắm ngoại tuyến, người mua có thể "sờ tận tay, nhìn tận mắt" sản phẩm, môi trường trực tuyến cần nhiều nỗ lực hơn từ các nhà bán hàng để xây dựng "kết nối ảo" với khách hàng.

5 xu hướng bán hàng trong kỷ nguyên số

Báo cáo cũng đưa ra những dự đoán về xu hướng của ngành TMĐT trong thời gian tới. Thứ nhất, bán hàng qua nền tảng mạng xã hội được dự đoán sẽ lên ngôi trong năm 2022. Theo đó, các phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng như livestream (phát trực tiếp), trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động giải trí kết hợp mua sắm sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng. Doanh thu từ bán hàng qua livestream được dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Xu hướng thứ hai phải kể đến là sự thúc đẩy nội dung do người dùng sáng tạo. Với sự gia tăng của nhiều nền tảng mạng xã hội tương tác cao và xu hướng để lại bài đánh giá, việc thu hút người dùng tạo nội dung liên quan đến thương hiệu hoặc sản phẩm sẽ giúp tối ưu hóa kết nối và hỗ trợ quá trình quyết định mua hàng.

Thứ ba, đa kênh là hình thức bán lẻ mới. Tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống bằng cách tham gia các nền tảng thương mại điện tử, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn, gói hỗ trợ giao hàng và hỗ trợ người bán từ sàn thương mại điện tử là những cách giúp nhà bán tiết kiệm chi phí khi mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Thứ tư, cá nhân hóa hành trình mua sắm của khách hàng. Điều chỉnh cá nhân hóa nội dung và điểm chạm trong hành trình mua sắm sẽ là chìa khóa để thu hút sự chú ý và giữ chân người tiêu dùng. Các nền tảng thương mại điện tử như Lazada đã đầu tư vào AI và công nghệ để tổng hợp và xử lý thông tin, từ đó thấu hiểu khách hàng hơn và thiết kế những trải nghiệm riêng dành cho họ.

Thứ năm, đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại sự tiện lợi và đảm bảo an toàn. Để tăng cường tiện lợi cho người tiêu dùng, thanh toán bằng ví điện tử đang trở nên phổ biến hơn và có khả năng chiếm ưu thế hơn phương thức thanh toán khi nhận hàng trong thời gian tới.

Tiêu dùng & Dư luận - 5 xu hướng bán hàng của tương lai số

Ông James Dong cho biết Lazada đã quan sát được nhiều sự dịch chuyển đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh về thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm qua. (Ảnh: Lazada Việt Nam)

Ông James Dong - Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết, Lazada đã quan sát được nhiều sự dịch chuyển đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh về thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm qua.

"Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các tổ chức và cá nhân quan tâm tìm hiểu về những tác động của Covid-19 đến thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuyển đổi số trong năm vừa qua cũng như những dự đoán về xu hướng của thị trường này trong năm 2022, qua đó, giúp cho các doanh nghiệp có thêm nhiều dữ liệu để củng cố định hướng phát triển của mình trong thời gian tới" - ông nói.

Vị đại diện Lazada cũng nhận định, TMĐT tiếp tục là "mảnh đất màu mỡ" cho sự phát triển của nền kinh tế số, là nơi để người dùng có thể mua sắm bất cứ lúc nào và giúp nhà bán hàng đến gần với người dùng hơn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.