6 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo

6 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 02/07/2024 07:00

Dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng nước ta vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%, VietNamNet đưa tin.

Theo đó, nước ta đã xuất khẩu 4,68 triệu tấn gạo các loại, thu về 2,98 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng mạnh 32% về giá trị do giá xuất khẩu mặt hàng này neo ở mức cao.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 26/6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta là 657 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 543 USD/tấn.

Trong nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản, rau quả, cà phê), đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.

Theo báo Công Thương, báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, gạo nằm trong top 5 mặt hàng của ngành nông nghiệp có thặng dư thương mại cao khi đạt 2,31 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức, chỉ trong nửa đầu năm nay, nước ta phải chi ra khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo.

Trong năm 2023, nước ta cũng chi gần 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia. Trong đó, chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực và dư lượng lớn gạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, nước ta vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo từ các quốc gia để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.

Trao đổi với báo Nhân Dân, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết: “Việc xuất nhập khẩu gạo trong giao thương quốc tế là việc hết sức bình thường!”.

Ông Hoàng Trọng Thủy phân tích, năm 2020, gạo Việt Nam đã đạt thành tích tốt trong xuất khẩu. Đáng chú ý, nhờ chuyển dịch hiệu quả cơ cấu gạo sang các sản phẩm chất lượng cao nên giá gạo đã được cải thiện và tăng khá cao. Trong khi đó, nhu cầu trong nước với các sản phẩm gạo phẩm cấp thấp hơn để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm chế biến như bún, phở, thức ăn chăn nuôi… vẫn tương đối nhiều. “Việc ta dùng gạo chất lượng cao, giá trị cao để xuất khẩu và một phần tiêu dùng nội địa; còn nhập về gạo chất lượng thấp để làm nguyên liệu chế biến là việc rất bình thường, không có gì đáng ngại”, ông Hoàng Trọng Thủy phân tích.

M.H (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.