Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 6 đạt 1.548 tấn, kim ngạch đạt 6,7 triệu USD, so với tháng trước lượng xuất khẩu giảm 0,8%. Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng chiếm 13,8% đạt 213 tấn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 7.023 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 34,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,6%, kim ngạch giảm 25,3%.
Thông tin trên báo Công Thương, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hoa hồi Việt Nam với 4.410 tấn, chiếm tỉ trọng 63% trong tổng số các nhà nhập khẩu của Việt Nam.
Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam có loại cây gia vị quý báu, với sản lượng hàng năm thuộc top đầu thế giới, đó chính là cây hồi.
Sở dĩ cây hồi được coi như "báu vật" vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, chỉ thu hoạch được 2 vụ hoa hồi.
Tại Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Trong đó, Lạng Sơn được mệnh danh "thủ phủ" của cây hồi của nước ta. Hồi ở Lạng Sơn được trồng chủ yếu tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng và Cao Lộc. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại Lạng Sơn.
Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hồi là một cây gỗ nhỡ, cao từ 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng. Mỗi năm cây chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý.
Hoa hồi ra hoa hai lần trong 1 năm nhưng không có ranh giới rõ ràng. Vụ thứ nhất thường diễn ra vào tháng 6, gọi là hoa vụ tứ quý. Vụ thứ hai vào khoảng tháng 8-9, được gọi là vụ hồi mùa.
Thông thường, cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4-5 năm trồng và cho thu hoạch tới vài chục năm. Năng suất của cây hồi từ năm thứ 4-6 vào khoảng 0,5-1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi, cây hồi sẽ cho năng suất ổn định, lên tới 40-50 kg/cây.
Loại cây này không mất nhiều công chăm sóc, chỉ việc lấy hạt hoặc cây con cắm xuống đất rồi để cây tự lớn.
Thông thường, hoa hồi sẽ có 6-8 cánh, xếp thành hình cánh sao có đường kính từ 2,5-3cm, mỗi cánh mang bên trong một hạt nhỏ hình quả trứng nhẵn bóng. Phần lớn hoa hồi sau khi thu hoạch sẽ được mang đi phơi khô, sử dụng dưới dạng hoa khô, chỉ có một phần nhỏ được đem chế biến thành tinh dầu.
Hoa hồi được dùng phổ biến trong chế biến ẩm thực và được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Hoa hồi là một trong những loại gia vị cực phẩm mà các đầu bếp nổi tiếng luôn ưa chuộng sử dụng trong các món ăn. Sử dụng hoa hồi trong các món ăn một cách khéo léo sẽ giúp nâng tầm món ăn lên một hương vị hoàn toàn mới.
Bên cạnh đó, khi sử dụng hoa hồi nguyên chất để ngâm với rượu sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh như cảm lạnh, đau đầu, đau bụng, các bệnh về tiêu ho và các bệnh về xương khớp.
Hoa hồi còn có tác dụng trong chữa các bệnh nấm da, ghẻ lở, giảm đau, giảm bầm tím, trị ho, long đờm... và nhiều tác dụng chữa bệnh khác. Ngoài ra tinh dầu hoa hồi còn là một trong những loại mỹ phẩm tốt được sử dụng trong ngành làm đẹp.
Minh Hoa (t/h)