Đường huyết cao là dấu hiệu thường thấy ở người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên trên thực tế, người không bị tiểu đường vẫn có thể bị tăng đường huyết. Tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương thần kinh, thận, mắt và tim. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng của đường huyết tăng là rất quan trọng.
Các triệu chứng tăng đường huyết phổ biến có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những người đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Nếu biết mình mắc bệnh đái tháo đường, những triệu chứng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần điều chỉnh kế hoạch điều trị.
Dưới đây là 8 triệu chứng bất thường khi đường huyết tăng cao bạn cần đặc biệt chú ý:
Khát quá mức
Trong nỗ lực để khôi phục sự cân bằng đường trong máu, cơ thể sẽ cố gắng thải trừ đường dư thừa qua nước tiểu. Việc này khiến thận phải tăng cường hoạt động hơn để thải lượng glucose dư ra khỏi cơ thể, kéo theo mất chất lỏng từ các mô cơ thể cùng với lượng đường dư thừa. Do mất nhiều chất lỏng làm thúc đẩy cảm giác khát và uống nhiều nước. Nếu bạn uống liên tục và không cảm thấy hết cơn khát hoặc bạn bị chứng khô miệng nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của tăng đường huyết.
Luôn mệt mỏi
Khi đường trong máu cao nhưng ít được đưa vào bên trong tế bào để tạo năng lượng, tế bào sẽ trở nên thiếu ăn khiến bạn cảm thấy chậm chạp hoặc mệt mỏi. Điều này thường xảy ra sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn giàu carbohydrate.
Đau, tê hoặc ớn lạnh bàn chân
Với bệnh nhân tiểu đường, nếu lượng đường trong máu liên tục tăng cao, các mạch máu ở xa cơ thể sẽ bị tổn thương, thông thường bàn chân là bộ phận xuất hiện triệu chứng đầu tiên, biểu hiện như ngứa ran, bỏng rát, tê bì, mất cảm giác, thậm chí ớn lạnh, đau ngắt quãng... Cuối cùng, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến chứng loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường.
Mắt mờ
Đường huyết cao có thể làm thủy tinh thể trong mắt bị phồng lên, khiến việc tập trung thị giác vào một điểm bất kỳ trở nên khó khăn. Nếu không được điều trị đúng cách thì mắt mờ do đường huyết cao có thể dẫn đến suy giảm thị lực. Cách để khắc phục mờ mắt là hãy đến khám bác sĩ để được hướng dẫn hạ đường huyết trở lại bình thường.
Đặc biệt, người cao tuổi sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra đáy mắt định kỳ 6 tháng một lần để tránh gặp phải các tổn thương võng mạc mà không hề hay biết.
Tăng tiểu đêm hoặc đi tiểu ra nhiều bọt
Người bình thường đi tiểu khoảng 1 - 2 lần mỗi đêm, lượng nước tiểu khoảng 300 - 400 ml. Nếu số lần đi tiểu đêm quá 3 lần hoặc lượng nước tiểu ban đêm vượt quá 750 ml thì là tiểu đêm quá nhiều, có thể do ống thận bị tổn thương.
Ngoài ra, nếu nước tiểu xuất hiện bọt li ti, tình trạng kéo dài không thuyên giảm, thì rất có thể đã bị albumin niệu vi lượng xuất hiện khi thận rò rỉ một lượng nhỏ albumin vào trong nước tiểu.
Nói chung, hai tình trạng trên hầu hết đều có mối liên quan nhất định với tình trạng đường huyết tăng cao, đôi khi cũng do bệnh thận đái tháo đường gây ra.
Vết loét lâu lành
Lượng đường trong máu quá cao sẽ làm máu lưu thông chậm lại. Chính điều này làm rối loạn khả năng phục hồi thương tổn của cơ thể. Do đó, bất kỳ vết lở loét nào, đặc biệt là ở bàn chân, đều sẽ lâu lành hơn bình thường. Máu lưu thông chậm lại cũng khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng bàng quang và nhiễm nấm.
Giảm cân
Giảm cân không chủ ý là một dấu hiệu quan trọng, đặc biệt ở trẻ em. Nhiều trẻ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1 có dấu hiệu giảm cân trước khi được chẩn đoán. Điều này thường xảy ra do cơ thể không thể sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng.
Mất ham muốn tình dục
Nếu nam giới mắc bệnh tiểu đường mà đột ngột giảm ham muốn và thời gian cương cứng ngắn thì nên cảnh giác, rất có thể đã bị rối loạn chức năng tình dục do tăng đường huyết.
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, những bệnh nhân có tiền sử mắc tiểu đường trên 10 năm đặc biệt có nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương, tỷ lệ cao gấp 3 đến 4 lần so với người bình thường.
Nhìn chung, khi đường huyết tăng cao, cơ thể sẽ có những biểu hiện rõ ràng, lúc này cần tích cực thực hiện các biện pháp để giúp đường huyết phục hồi và ổn định lại nhanh hơn, nếu không sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau như bệnh thận đái tháo đường, mù lòa, loét bàn chân tiểu đường.
Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị, chúng ta cũng nên chủ động kiểm soát chế độ ăn uống, tập thể dục điều độ và luôn giữ tâm trạng thoải mái.
Minh Hoa (t/h)