1. Trường Phật giáo đào tạo nhiều tăng ni sinh nhất (Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM)
Học viện Phật giáo Việt Nam tọa lạc tại số 750 Nguyễn Kiệm, P.4, Q. Phú Nhuận. Số lượng sinh viên theo học ngày càng nhiều làm cho Học viện trở thành trung tâm thu hút các học giả và các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới. Ước tính đến nay, Học viện đã đào tạo gần 3.500 tăng ni sinh viên.
2. Tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá saphire lớn nhất (Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên - Vĩnh Phúc)
Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hội đá quý Hà Nội tiến cúng đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) một pho tượng Phật bằng đá ngọc corindon có chứa 80-90% saphire (có độ cứng là 9, chỉ sau kim cương). Tượng cao 3,45m nặng 31 tấn, tạo tác đức Phật Thích Ca đang ngồi kiết già. Điều đáng quí là tượng được tạc từ đá ngọc Việt Nam có chứa 80-90% saphire (ở huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An), được các nghệ nhân thổi hồn dân tộc Việt Nam vào tượng Phật nên tượng mang bản sắc văn hoá nghệ thuật, mỹ thuật Việt Nam.
3. Tượng Phật nhập niết bàn bằng đá saphire lớn nhất Việt Nam (Chùa Hội An – Bình Dương)
Kỳ Lam Ngọc Phật là pho tượng Phật được làm từ một loại đá quý có chứa nhiều chất liệu corindon (saphire) màu xanh dương đậm. Viên đá này (ở xã Châu Thành, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An), có chiều dài 4,2m, nặng trên 46 tấn, khi hoàn thiện, trọng lượng pho tượng Phật còn lại khoảng 35 tấn. Pho tượng được an vị trong khuôn viên chùa Hội An, ngay trung tâm thành phố mới Bình Dương vào ngày mùng 9 tháng Giêng năm Quý Tỵ (nhằm ngày 18/2/2013).
4. Ngôi chùa sản xuất phim Phật giáo nhiều nhất (Chùa Hoằng Pháp - Hóc Môn, TPHCM)
Chùa Hoằng Pháp được sáng lập năm 1957. Thực tế đa phần những bộ phim Phật giáo đang lưu hành tại Việt Nam đều chuyển ngữ từ phim nước ngoài, trong khi đó, đất nước ta cũng có rất nhiều bậc danh tăng. Vì lẽ đó, chùa Hoằng Pháp những năm qua đã thực hiện nhiều bộ phim về Phật giáo. Hiện tại, chùa đã phát hành 17 bộ phim (phim ký sự, phim truyện, hoạt hình). Sự ra đời của các bộ phim về Phật giáo do chùa sản xuất và phát hành không chỉ đáp ứng về mặt tinh thần cho cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước mà còn khẳng định rằng Phật giáo đã, đang và sẽ chuyển mình cùng nhịp sống của thời đại.
5. Kênh truyền hình sản xuất và phát sóng nhiều chương trình nhất về chủ đề Phật giáo Việt Nam (kênh AVG)
Kênh truyền hình An Viên (AVG) là kênh truyền hình có nội dung tư tưởng của đạo Phật, được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp giấy phép. Ngay từ khi ra đời, kênh An Viên đặt mục tiêu trở thành một kênh truyền hình tổng hợp, trong đó xây dựng nhiều chương trình mang tính giáo dục cao, dựa trên nền tảng tư tưởng, giáo lý nhà Phật. Đến nay, kênh truyền hình An Viên đã xây dựng được được gần 20 chương trình như: Dưới bóng Bồ Đề, Chùa Việt Nam, Đâu là đúng, Ngày An Viên, Sống yêu thương, Thiền, Xưa và Nay, Hiểu và Thương, Phim truyện Phật giáo, Vườn yên tĩnh, Phim tài liệu Phật giáo,… Thời lượng phát sóng các chương trình về chủ đề Phật giáo là 2 giờ/ngày.
6. Người biên tập và biên soạn kinh sách Phật giáo nhiều nhất (Thượng tọa Thích Nhật Từ)
Thượng tọa Thích Nhật Từ sinh năm 1969 tại TPHCM, trụ trì chùa Giác Ngộ từ năm 1992 đến nay. Từ năm 2006 đến nay, Thượng tọa đã viết 28 cuốn sách, đồng chủ biên 8 cuốn sách, biên dịch và biên soạn hơn 100 các đầu sách cùng các tác giả khác… Đến nay, Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay do Thượng tọa Thích Nhật Từ chủ biên bao gồm các nghi thức tụng niệm thuần Việt và trên 200 đầu sách nghiên cứu và ứng dụng về Phật học, thuộc loại sách cần thiết cho mọi đối tượng độc giả. Một số cuốn sách của Thượng tọa được lấy cảm hứng để dựng phim và làm thành bài giảng sinh động.
7. Người đọc sách nói Phật giáo nhiều nhất (Bà Nguyễn Hướng Dương)
Bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc "Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù", sau tai nạn bất ngờ mất đôi chân năm 25 tuổi, đã dành thời gian và công sức để đọc sách nói dành cho người mù. Số lượng đầu sách bà đọc thuộc chủ đề Phật giáo hiện tại là 200 quyển. Sách nói Phật pháp hiện đang được phát hành tại chùa Giác Ngộ, quận 10 và chùa Dược Sư – quận Bình Thạnh, TPHCM. Hiện tại Thư viện sách nói dành cho người mù của bà đã đưa được sách nói lên mạng internet để phục vụ rộng rãi hơn cho người mù.
8. Bộ sưu tập tem về đề tài Phật giáo nhiều nhất (Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc)
Đây là bộ sưu tập tem của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc (TPHCM), được sưu tập công phu trong 10 năm. Bao gồm 24 khung tem theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng cộng có 384 trang khổ 23x29mm. Bộ sưu tập được thuyết minh chi tiết theo các chủ đề Phật giáo. Tổng cộng có gần 2.400 vật phẩm bưu chính thuộc 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có nhiều tem hiếm, tem dị bản (error), bì thư thực gửi quý hiếm, bản in thử (proof), bản in đặc biệt (epreuve de luxe), block tem đặc biệt… Hình ảnh trên mỗi con tem được thiết kế và in ấn rõ ràng với màu sắc hài hòa, trên mỗi mẫu tem đều có những dòng chú thích thuyết minh.
Lễ Phật đản là lễ trọng của đạo Phật, diễn ra hằng năm vào ngày Rằm tháng 4 (ÂL) theo truyền thống Phật giáo để kỷ niệm ngày xuất thế và tưởng nhớ Đức Thế Tôn - người khai sáng đạo Phật. Đức Phật có tên thật là Tất Đạt Đa, là thái tử con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, thuộc bộ tộc Thích Ca, nước Ấn Độ cổ đại. Đại lễ Phật đản được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay, trước kia một số nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản…đều làm lễ Phật đản vào ngày 8 tháng 4 âm lịch nhưng đến năm 1950 tại Hội nghị Phật giáo thế giới tại Sri-lan-ca đã quyết nghị lấy ngày trăng tròn đầu mùa hạ (ngày 15 tháng 4 âm lịch) làm ngày kỷ niệm Phật đản chính thức.
Ảnh minh họa Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày này hầu hết các nước có Phật giáo và những người con Phật đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, Lễ Phật đản đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hoá tâm linh thế giới, lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn). Ở Việt Nam, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người hay gọi ngày Phật đản là “Mùa Phật đản” để hoà chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới kinh mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hoá Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên được tổ chức long trọng, thu hút rất nhiều người tham gia, kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố; làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông; tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức… có hàng nghìn Tăng, ni, phật tử tham dự. Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành và các chùa cơ sở phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương tổ chức các hoạt động từ thiện, xây nhà tình thương, thăm hỏi và tặng quà bà con nghèo. |
Phú Sang (t/h)