Đào tạo phải gắn với thị trường lao động
Ngày 25/10, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình Giao lưu trực tuyến “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu”. Tại đây, ông Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng dưới góc nhìn khác của cá nhân, nhìn nhận lại 5 năm qua, có thể thấy, thành tựu lớn nhất là đáp ứng yêu cầu tốt hơn về giáo dục ĐH, cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, ông Tuấn nói: “Tiếp cận giáo dục ĐH của người dân được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và việc làm tốt hơn. Ở một số ngành nghề đào tạo, nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế, rất đáng ghi nhận. Vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức mới thời gian qua cũng làm tốt”.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được là đổi mới giáo dục ĐH triển khai hiệu quả, quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 29. Ông Tuấn cho rằng giáo dục đại học đã và đang có những sự thay đổi hướng tới thị trường lao động: “Giáo dục ĐH có sự thay đổi đặc biệt, quan tâm tới cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện mới, đặc biệt nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ của các cơ sở, nhất là công tác kiểm định được chú trọng quan tâm.
Các cơ sở phải nhận thức được kiểm định như là một đợt khám bệnh để nâng cao chất lượng tổng thể. Một điều không thể phủ nhận là tự chủ ĐH, điều này đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường ĐH nâng cao chất lượng của mình, đồng thời, hướng tới cung cấp một thị trường lao động với nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Nhìn nhận về những thứ đã đạt được trong 5 năm qua, TS. Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết sau 5 năm, chúng ta có 2 trường top thế giới, châu Á từ 1 -2 trường, đến nay lên 7 trường, rất nhiều trường trong top 400 – 300 châu Á. Một số ngành, lĩnh vực đào tạo đã so sánh được với các trường đại học lớn trên thế giới và khu vực.
“Chỉ số thứ hai, 84% sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng. Chỉ số thứ ba, số công trình nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế tăng gấp đôi. Chỉ số thứ tư, sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong các trường ĐH, nhất là khi chúng ta tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết có thể khẳng định chủ trương tự chủ của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 là hoàn toàn đúng đắn, cho phép chúng ta tạo nên cuộc cạnh tranh lành mạnh trong khối các trường ĐH toàn quốc.
Đi liền với tự chủ là nâng cao chất lượng
TS. Nguyễn Đắc Hưng nhận định, một trong những khó khăn trong việc tự chủ đại học là việc thay đổi nhận thức của xã hội về việc này.
“Việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính là điểm đột phá làm thay đổi nhận thức và hành động trong công tác quản trị của nhà trường, làm thay đổi tư duy từ ban ơn sang dịch vụ. Tôi nghĩ cần làm mạnh hơn, ngành Y tế làm được thì giáo dục làm được. Đối với y tế, sự thay đổi về cơ chế làm thay đổi diện mạo của các bệnh viện. Đối với giáo dục, trong nhà trường, quyền của người học được Nhà nước bảo hộ. Những đối tượng nào được Nhà nước bao cấp thì bao cấp toàn bộ, nhưng đối tượng không được bao cấp thì phải chi trả cho xứng đáng”.
“Nhà nước bây giờ thay cho đầu tư cơ sở chuyển sang đầu tư cho người học. Người học đi đến đâu dòng tiền chảy theo đến đấy, khiến các trường phải tự nâng cao chất lượng giảng dạy; làm cho người học có quyền lựa chọn, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo ĐH. Lúc đó, các cơ sở đào tạo sẽ lựa chọn những hiệu trưởng giỏi, quản trị tốt, quyền lợi của giáo viên và người học được đảm bảo. Việc thu học phí hay đầu tư khác của Nhà nước sẽ căn cứ vào chất lượng đầu ra. Ở đâu không có người học, cơ sở đào tạo đó phải đóng cửa. Điều đó sẽ tạo ra sự chuyển dịch rất lớn trong giáo dục đại học. Như vậy, cơ chế tự chủ tài chính sẽ làm thay đổi nhận thức và hành vi của các trường”, ông Hưng nói.
Nhấn mạnh về giải pháp cho tự chủ đại học có thể thành công, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng: “Để việc tự chủ thành công, phải tự chủ không chỉ trong cơ quan Nhà nước mà trong nội bộ trường ĐH, từ những người lãnh đạo quản lý đến các thầy cô, người học... tạo ra môi trường học thuật khoa học, phát huy tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của người học; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Đi liền với tự chủ là nâng cao chất lượng, kiểm định chất lượng, trách nhiệm giải trình và hỗ trợ các trường tự chủ để đạt mục tiêu sau cùng là nâng cao chất lượng giáo dục”.