Agoda, Booking, AirBnB bỏ ngỏ đóng thuế: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng và đồng bộ

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 2, 03/03/2025 09:04

Theo chuyên gia, nếu tính % trên doanh thu nơi cư trú mà khách hàng đặt qua Agoda, Booking là con số lớn. Đã đến lúc các nền tảng này cần thực hiện tốt hơn nghĩa vụ thuế của mình để tạo cơ chế cùng thắng.

Với nhiều người Việt, mỗi khi đặt phòng trực tuyến sẽ nghĩ ngay tới Booking, Agoda, AirBnB hay Paypal. Các dịch vụ của những nền tảng quốc tế này đã trở nên phổ biến và được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng rộng rãi, thế nhưng thực tế thì các công ty này lại không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Thông tin phát đi từ Tổng cục Thuế hồi đầu tháng 1/2025, bên cạnh đại đa số các nhà cung cấp nước ngoài đã nghiêm túc thực hiện thì vẫn còn một số nhà cung cấp nước ngoài vẫn chưa thực hiện đăng ký thuế tại Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế; trong đó có 4 nhà cung cấp nước ngoài kể trên kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam.

Hiện các nền tảng như Agoda hay AirBnB, Booking cung cấp dịch vụ cho thuê phòng và khách sạn thông qua nền tảng trực tuyến, kết nối người tiêu dùng với dịch vụ hoặc sản phẩm mà không cần trực tiếp hiện diện tại quốc gia sở tại. Điều này khiến cho việc xác định cơ sở để thu thuế trở nên phức tạp.

Trước tình trạng này, đầu năm 2025 Tổng cục Thuế đã có Công văn 6369 gửi hội sở chính 100 ngân hàng và trung gian thanh toán, đề nghị thực hiện kê khai và nộp thuế thay cho Agoda, AirBnB, Booking, Paypal theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Các nền tảng đặt phòng trực tuyến thu khoảng 15-30% phí giao dịch

Ông Bùi Quang Cường - Uỷ viên BCH Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), Founder & CEO của iViet Solutions cho hay, hiện chưa có thông tin chính xác thị phần của Agoda, AirBnb, Booking hay PayPal tại Việt Nam, nhưng đây là những nền tảng về du lịch trực tuyến, thanh toán xuyên biên giới dẫn dắt thị trường trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Theo ông Cường, nếu xét góc nhìn tổng thể, các nền tảng nước ngoài nêu trên đã góp phần thúc đẩy phát triển cho ngành du lịch Việt Nam cũng như hoạt động thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới.

Agoda, Booking, AirBnB bỏ ngỏ đóng thuế: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng và đồng bộ- Ảnh 1.

Bản thân Agoda, Booking cũng hưởng lợi nhiều từ việc thu phí người dùng. Trung bình các nền tảng đặt phòng trực tuyến thu khoảng 15-30% phí giao dịch.

"Tôi đã gặp, trao đổi với nhiều khách sạn, homestay thì phần lớn khách nước ngoài, nếu là khách lẻ, đều đến từ Agoda, Booking, AirBnb - một con số không nhỏ khách hàng nước ngoài đến Việt Nam đặt phòng nghỉ qua các nền tảng trên", ông Cường chia sẻ.

Bản thân các nền tảng này cũng hưởng lợi nhiều từ việc thu phí người dùng. Trung bình các nền tảng đặt phòng trực tuyến thu khoảng 15-30% phí giao dịch. Nếu tính % trên doanh thu khách sạn hay homestay sẽ là con số tương đối lớn.

Còn phí mà Paypal thu phần lớn là phí quy đổi tiền tệ, tuy chỉ vài phần trăm nhưng lượng tiền qua nền tảng này vào Việt Nam cũng không nhỏ.

Hàng loạt hệ lụy khi nền tảng quốc tế không đóng thuế

Chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng Đại học Gia Định Nguyễn Văn Hiến đánh giá, việc các nền tảng quốc tế trên không đăng ký thuế tại Việt Nam gây ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế và môi trường kinh doanh trong nước.

Trước hết, việc này tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ các nghĩa vụ thuế nghiêm ngặt, trong khi các nền tảng quốc tế không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào khi hoạt động tại Việt Nam.

Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng dịch vụ, và sức cạnh tranh chung trong thị trường.

Đáng nói, người tiêu dùng khi mua dịch vụ từ các nhà cung cấp như Agoda hay Booking sẽ không được xuất hóa đơn thuế và vì vậy sẽ không được khấu trừ thuế, gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một tác động quan trọng nữa là mất nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đây là một tổn thất lớn, đặc biệt khi Việt Nam đang có nhu cầu tăng cường thu nhập từ các lĩnh vực dịch vụ và kinh tế số.

Agoda, Booking, AirBnB bỏ ngỏ đóng thuế: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng và đồng bộ- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Hiến.

Hiện nay Agoda, AirBnB, Booking và Paypal không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng tại Việt nam như dịch vụ đặt vé máy bay, dịch vụ đặt phòng khách sạn, dịch vụ đặt phòng lưu trú, đặt tour du lịch.... 

"Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ này này được xem là một nhà thầu nước ngoài, họ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư 103 của Bộ Tài chính", ông Hiến dẫn chứng.

Trước đây, một số các tập đoàn vông nghệ lớn nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam cũng không kê khai nộp thuế như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple. 

Tuy nhiên, sau khi có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng của Việt Nam, gần đây các tập đoàn này đã buộc phải đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Trong năm 2024, tổng số thuế các tập đoàn nói trên đã nộp cho Việt Nam đạt khoảng gần 9.000 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu không nhỏ cho Ngân sách Nhà nước.

Tạo cơ chế cùng thắng giúp thị trường bình đẳng

Để giải quyết triệt để vấn đề thu thuế đối với các nền tảng quốc tế, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Hiến kiến nghị Nhà nước cần xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng và đồng bộ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Các quy định thuế cần được cập nhật để phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như cơ quan Thuế, Ngân hàng, Công Thương, Công an phải cùng phối hợp nhịp nhàng, đấu tranh quyết liệt với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để buộc họ phải có trách nhiệm kê khai nộp thuế theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. 

Điều này không chỉ giúp Việt Nam có thể quản lý thu thuế có hiệu quả từ các nền tảng kinh doanh dịch vụ trực tuyến quốc tế mà còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng để thị trường trong nước phát triển một cách lành mạnh.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Cường cho rằng đến giai đoạn này, các nền tảng này cần thực hiện tốt hơn nghĩa vụ thuế của mình để tạo cơ chế cùng thắng. Nhà nước cần thu thuế để có ngân sách thúc đẩy kinh tế, xã hội. 

Dân có giàu, doanh nghiệp phát triển thì mới tiếp tục đi du lịch nhiều, thanh toán nhiều thì miếng bánh thị trường của các nền tảng trên cũng sẽ tăng theo.

"Ngoài ra, việc thu thuế này cũng tạo ra sân chơi công bằng với các nền tảng tuân thủ nghĩa vụ thuế, đặc biệt là các nền tảng Việt, để các doanh nghiệp cùng phát triển theo đúng cơ chế thị trường", ông Cường nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.