GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ cho rằng bộ GD&ĐT đang làm việc theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Bản thân ông được ngỏ lời mời làm chủ biên một bộ sách dành cho học sinh dân tộc thiểu sổ, nhưng thời gian yêu cầu quá gấp gáp nên ông không thể nhận lời.
“Bộ lúng túng, và đang mắc kẹt. Cách đây 1 tháng Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ có chủ trì 1 cuộc họp, có mời tôi tham dự, cuộc đó có các đơn vị chuyên môn của Bộ. Theo chương trình Ngữ văn mới, mà tinh thần là giáo dục phát triển năng lực, các cấp học đều có thời lượng dành cho tiếng dân tộc thiểu số”. Như vậy phải tổ chức biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số. Vấn đề là một số dân tộc có hơn một bộ chữ viết, như người Thái, người H Mông, người Chăm… Trong những trường hợp có sự cạnh tranh về chữ viết như thế, cần chọn bộ chữ viết nào?
“Trong Viện có nhiều chuyên gia nhưng đã nghỉ hưu rồi, muốn sự lựa chọn có tính thuyết phục, cần có cuộc trao đổi bằng hội thảo, tọa đàm khoa học, cân nhắc, đánh giá ưu điểm, nhược điểm của các bộ chữ. Bộ GD&ĐT đang nghĩ rằng bản thân có thể quyết được, nhưng chọn bộ chữ tiếng dân tộc không hề đơn giản. Thực sự rất phức tạp”, ông Hiệp lo ngại.
GS. TS Nguyễn Văn Hiệp bày tỏ quan ngại việc bộ GD&ĐT chủ quan nghĩ rằng có thể kịp biên soạn bộ sách này, nhưng trong tình hình hiện tại, khó mà kịp được.
Đồng tình với câu hỏi của PV về trách nhiệm của bộ GD&ĐT trong việc xây dựng bộ sách mới cho hàng trăm nghìn học sinh, ông bày tỏ: “Còn 2 tháng nữa thì không thể nào kịp chương trình mới được. Hậu quả nhãn tiền là thấy rõ, chẳng lẽ để cho học sinh dân tộc học lại sách cũ, trong khi cả nước học sách mới (viết theo chương trình mới).
Chương trình GDPT mới có định hướng chung về phát triển năng lực của học sinh, với những yêu cầu cần đạt cụ thể cho từng cấp học, từng lớp học. Nếu học sách cũ, học sinh bị thụt lùi, không nắm được cái mới, thì người ta có thể đổ lỗi là do bộ GD&ĐT đã khiến học sinh người dân tộc thiểu số phải học bộ sách lạc hậu”.
Đi sâu vào chuyên môn ngôn ngữ, GS. TS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, một bộ sách tiếng dân tộc phải tập hợp được chất xám của các chuyên gia, nhà ngôn ngữ uy tín, trí thức người dân tộc. Nếu trong thời gian gấp rút bộ GD&ĐT cố để làm thì rất dễ dẫn tới sai sót.
Ông nêu ví dụ: tiếng Thái có rất nhiều loại như Thái Trắng, Thái Đen, tương tự tiếng Mông, tiếng Khơ me cũng vậy. Mỗi vùng lại có phương ngữ khác nhau, nên rất khó để lựa chọn.
“Bộ cần mời các địa phương dạy tiếng dân tộc, các nhà khoa học họp bàn, rồi đưa ra phương án đề xuất bộ chữ nào nên được chọn dùng trong sách giáo khoa, sau đó thì những người làm sách mới có thể làm được”, ông nêu ý kiến.
Ông Hiệp cũng cho rằng, bộ GD&ĐT cần chủ động tổ chức biên soạn và coi đây là nhiệm vụ chính trị. “Tiếng dân tộc là vấn đề rất tế nhị, nên bộ GD&ĐT cần phải công khai, có cơ sở khoa học chứ không nên áp đặt”, ông nhấn mạnh.
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn. Kon Tum cũng đối diện nhiều thách thức trang việc dạy và học tiếng dân tộc. Khi mà, môi trường, điều kiện để vận dụng, phát huy các kỹ năng đã được học tiếng DTTS của học sinh còn bất cập (tài liệu tham khảo cho giáo viên, sách, báo tạp chí bằng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Kon Tum dành cho học sinh chưa thật sự phong phú...). Sự tiếp biến, du nhập của các dòng văn hóa khác ảnh hưởng nhất định đến môi trường sử dụng và phát huy ngôn ngữ tại chỗ của các DTTS.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật bà Phạm Thị Trung Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho rằng, để phù hợp với đối tượng học sinh, không thể dùng sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số của chương trình hiện hành để dạy học tiếng dân tộc thiểu số đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Vị Giám đốc Sở cho biết, Kon Tum đã cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia biên soạn và tham gia hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 (môn tiếng Ba-na và Gia-rai).
Về kế hoạch chuẩn bị dạy và học tiếng dân tộc trong năm học mới, bà Trung cho biết phải chờ tới khi có bộ sách của Bộ ban hành mới có thể thực hiện được: "Sau khi có sách giáo khoa tiếng Dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do bộ GD&ĐT ban hành, trên cơ sở nhu cầu lựa chọn môn tiếng dân tộc thiểu số là môn học tự chọn đối với lớp 1 của các nhà trường, sở GD&ĐT sẽ sớm có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để triển khai thực hiện kịp thời trong năm học 2020-2021".
Luân- Bích- Liên
Xem thêm: Bộ GD&ĐT “quên” biên soạn SGK tiếng dân tộc trong Chương trình GDPT mới