Bên lề vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa làm 2 người tử vong và 10 người bị thương (trong đó có tài xế lái xe tải), PV đã có cuộc trao đổi với các luật sư về những vấn đề pháp lý liên quan.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, đây là vụ tai nạn giao thông xảy ra trong lĩnh vực liên quan đến đường sắt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo thông tin ban đầu, có thể thấy nguyên nhân ban đầu được cơ quan điều tra xác định là do lỗi của 2 nhân viên gác barie hai bên khổ đường ray tàu trong ca trực đã lơ là, không thực hiện đóng chắn trước khi tàu tới đường ngang dẫn tới ô tô tải hiệu Howo đi qua bị tàu hỏa đâm. Điều này gây thiệt hại cả người lẫn tài sản.
Để có căn cứ xử lý trách nhiệm nhân viên gác barie, cần thiết xác định lỗi vi phạm và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng chỉ ra, về nguyên tắc, người nào có lỗi gây ra thiệt hại ngoài trách nhiệm hình sự thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo quy định tại Điều 584, 589, 590, 591, Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, nhân viên gác barie là người của pháp nhân nên khi xảy ra vụ việc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 597, Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, Tổng công ty đường sắt phải bồi thường đầu tiên, bồi thường những thiệt hại về tính mạng, tài sản.
Bên cạnh đó, một chuyên gia pháp lý khác cũng cho rằng, chúng ta cần xác định tội danh của các chủ thể vì tội danh rất quan trọng, tội danh có thể dẫn tới khung phạt. Xác định đúng người, đúng tội danh mới quan trọng.
Như thông tin ban đầu được nêu, hai nhân viên gác barie ngủ quên dẫn tới xe tải băng qua đường sắt không có cảnh báo thì trách nhiệm chính ở đây là hai nhân viên này. Đó là trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra còn có vấn đề phân công của cấp trên – cấp chỉ đạo trực tiếp của hai người này, họ có sao nhãng hay có đôn đốc, phân công nhân viên hay không hoặc có tổ chức ăn uống mà để xảy ra sự việc, cả hai nhân viên gác chắn cùng ngủ quên.
“Việc xác định người liên đới, qua quá trình điều tra của cơ quan chức năng mới xác định được.
Ngoài ra, bên ngành đường sắt phải chịu trách nhiệm vấn đề bồi thường dân sự về tài sản, sức khỏe, tính mạng, thiệt hại của những người khác do ngành đường sắt gây ra”, vị chuyên gia này phân tích.
Bàn về trách nhiệm của địa phương trong sự việc trên, chuyên gia này cho rằng, vấn đề an toàn đường sắt có mục lục, địa phương chịu trách nhiệm về vấn đề trật tự trị an, còn lưu thông đường sắt này thuộc lĩnh vực khác.
Vấn đề quan trọng ở đây là tranh cãi xác định tội danh thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay tội danh gì.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng đưa ra phân tích, trong trường hợp này chủ yếu đang trong giai đoạn điều tra nhưng tạm thời xác định là lỗi của hai người gác khung chắn.
“Ở đây, nếu không có bị can tức là không có gác chắn, không có khung chắn hoặc ô tô lao qua khung chắn làm gãy khung chắn… thì rõ ràng có yếu tố về quản lý địa phương và địa phương phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trường hợp này đã giao trách nhiệm cho gác chắn, khung chắn thì địa phương chỉ có trách nhiệm phối kết hợp cùng với ngành giao thông đường sắt để khắc phục hậu quả.
Bởi lẽ, chúng ta phải xác định cá thể phải chịu trách nhiệm là hai người gác tàu. Rõ ràng bản án xem xét quá trình chủ yếu là hai người này. Xác định lỗi bao nhiêu thì bồi thường thiệt hại bấy nhiêu và sau khi tòa tuyên, bị cáo phải chịu trách nhiệm”, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết.
Nguyễn Huệ