Khó khăn chồng khó khăn
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Vinh, một trong những cư dân sống sót từ "đảo hủi" trở về. Nhắc lại chuyện xưa, ông Vinh nghẹn ngào nhớ lại ký ức kinh hoàng: "Năm 1972, chúng tôi bị đuổi ra hoang đảo sống, người ta gọi đó là "đảo hủi". Hồi đó, dân làng coi bệnh hủi (bệnh phong) là nỗi khiếp đảm, ai mắc bệnh hủi sẽ bị đuổi ra khỏi làng. Vì thế, những người mắc bệnh hủi như chúng tôi coi việc bị đày ra hoang đảo giữa mênh mông lòng hồ là cơn ác mộng, "sống không được, chết cũng không xong".
"Đảo hủi", nỗi ám ảnh một thời.
Bà Lý Thị Chu, một cư dân trên đảo nhớ lại cơn vật lộn với "ma hủi": "Có những người bị hủi ăn đến thối cả thịt, những miếng thịt cứ lở loét, đêm ngày rỉ máu, nhưng họ vẫn phải lặn lội lên nương, xuống ruộng để cấy lúa, đánh cá, có người bị nhiễm trùng thối cả bàn chân. Hồi đó, đến nhà nào trên "đảo hủi" cũng nồng nặc mùi hôi thối. Cái mùi ngai ngái đó mỗi khi nghĩ đến lại thấy rùng mình khiếp sợ. Để sống sót, họ phải dựa vào nhau, người còn khỏe thì chăm người yếu...".
Sự sống của những bệnh nhân hủi này chủ yếu phụ thuộc vào các sản phẩm do họ tự làm ra. Khó khăn lắm họ mới trồng được cây ngô, cây lúa để lấy lương thực sống; nuôi được con ngan, con vịt đem bán lấy tiền mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Vậy mà, những thứ đó họ cũng không thể nào tiêu thụ được, việc vận chuyển khó khăn đã đành, đằng này hàng của họ lại bị tẩy chay. Không bán được gạo thì không mua được mắm, muối... "Những người dân đảo hoang thường xay lúa lấy gạo rồi gánh đi thật xa để bán lấy tiền mua muối về chia nhau ăn dần. Có lần, đem gạo ra chợ huyện bán, không biết ai mách rằng đó là gạo ở đảo hủi" nên chẳng ai dám mua. Từ đó, cứ thấy ai ở "đảo hủi" gánh gạo hay con gà, con vịt ra thị trấn bán thì họ đuổi đi", ông Vinh chia sẻ.
Được biết, thời đó, có cả chục tấn thóc do người dân đảo hoang làm ra được đem nuôi ngan, vịt. Có những gia đình nuôi tới 400 - 500 con vịt. Hàng ngàn con vịt của "đảo hủi" bơi trắng một vùng hồ Thác Bà. Vịt đẻ ra cứ sinh sôi, nảy nở nhưng lại không bán được, lúa gạo cũng vậy. Lúa gạo thừa vịt ăn cũng không xuể, họ còn đem đổ xuống hồ cho cá ăn. Hàng ngàn con vịt ở "đảo hủi" đem ra chợ bán cũng chẳng ai mua, dân "đảo hủi" phải ngày hai bữa ăn thịt vịt đến phát ngán. Có lẽ chẳng có nơi nào lạ lùng đến vậy, người dân có thịt vịt ăn nhưng không có muối làm gia vị. Họ đã may mắn khi có người thương hại, cho muối ăn.
Những người dân "đảo hủi" coi nơi đây là "cõi chết", đã bị đày ra nơi này sống tức là làm bạn với cô đơn và chết trong tủi hổ. Những người bị hủi chết đi lại có những bệnh nhân khác bị đày ra chờ chết.
Dân "đảo hủi" đã được hòa nhập với cộng đồng.
Hạnh phúc khi thoát khỏi "đảo hủi"
Người dân "đảo hủi" được an ủi phần nào khi Nhà nước có chính sách đưa tất cả cư dân ở đây đi chữa bệnh. Mặc dù chưa thoát khỏi những cơn đau về thể xác nhưng họ đã ấm áp hơn về tâm hồn. Hiện, do sự tiến bộ về khoa học, kỹ thuật nên bệnh phong đã được khắc phục phần nào, giảm được những cơn đau, ngứa quằn quại cho người bệnh. Họ đã có hy vọng được hòa nhập cộng đồng, được sống đúng nghĩa một con người bình thường.
Sự sống được hồi sinh khi những người bệnh vượt cạn lên bờ sống. Nhắc lại thời điểm cách đây gần 30 năm, ông Vinh bảo: "Sau này, chúng tôi được đưa đi chữa bệnh ở Thái Bình, Nghệ An. Chúng tôi chữa bệnh ở Nghệ An mất gần 10 năm. Ở đây, tôi đã quen bà Lý Thị Chu. Hồi đó, chúng tôi ở hai dãy nhà đối diện nhau, hễ chúng tôi ra cửa là đụng mặt nhau. Lâu dần thành quen, tôi và bà ấy chăm sóc cho nhau những lúc tôi hoặc bà ấy lên cơn đau, ngứa, bà ấy thấy tôi vật vã với những cơn đau nên đã lấy thịt cá mè đắp vào nơi con hủi đang gặm nhấm thịt da tôi. Cảm động trước những hành động đó, chúng tôi cũng có tình cảm với nhau. Chúng tôi tổ chức một đám cưới nho nhỏ vào đúng hôm xuất trại phong và dìu dắt nhau về làng Ven sinh sống".
Ông Vinh xúc động: "Cuộc đời tôi trở nên tăm tối khi biết mình bị "ma hủi" ám. Cảm giác chán chường thực sự khi tôi và những người dân vô tội bị đày ra đảo. Nhưng khi lên bờ rồi, cuộc sống đã thực sự hồi sinh. Giờ đây, tôi không phải lênh đênh, lạc lõng và tủi thân giữa lòng hồ Thác Bà kinh hoàng kia nữa. Chúng tôi đã được lên bờ. Lên bờ, tôi mới cảm nhận sự bình yên, cuộc sống hạnh phúc bên vợ con, sự quan tâm, giúp đỡ của anh em, hàng xóm láng giềng. Nay, mỗi năm gia đình tôi thu gần trăm triệu đồng từ việc bán cây lâm nghiệp và các sản phẩm từ nông nghiệp như lúa, ngô, sắn... Cuộc sống dần ấm no, hạnh phúc. Như vậy, bị hủi không phải là chấm dứt, chỉ cần có ý chí thì sẽ vượt qua những cơn đau của bệnh tật, điều mà các bệnh nhân này sợ nhất chính là sự vô tâm, hắt hủi, kỳ thị của xã hội".
Do nhận thức đã tiến bộ, người dân không miệt thị, xa lánh những bệnh nhân hủi nữa. Họ đã được tái hòa nhập với cộng đồng. Ngày trước, gia đình nào có người hủi và bị đày ra đảo hoang, người thân của họ ở lại, hàng xóm cũng đề phòng. Họ cũng sợ người thân đó sẽ “dính” bệnh và lây nhiễm sang những người khác. Mỗi khi làng xóm có lễ hiếu hỷ, mâm nào có người thân của bệnh nhân hủi ngồi cùng thì tất thảy đều đứng dậy ra về. Tuy nhiên, hiện nay, do sự phát triển của y học, do sự tuyên truyền của các cơ quan đoàn thể, người dân hiểu được rằng, bệnh hủi không "ghê gớm" như họ đã nghĩ. Hiện nay, những sản phẩm như lúa, gạo, gà, vịt... do những bệnh nhân hủi ở làng Ven sản xuất ra bao nhiêu thì cũng được tiêu thụ ra thị trường như bình thường...
Ông Vinh nghẹn ngào khi nhớ lại những kỷ niệm một thời không thể quên: "Trước đây, gia đình tôi bị ốm đau, bệnh tật do không có muối ăn, một người bán hàng tốt bụng đã cho tôi một gói muối mà chúng tôi đã sống được đến ngày hôm nay. Mới đây, gia đình người bán hàng tốt bụng đó gặp khó khăn, tôi và vợ đã đem lúa, gạo đến tận nhà để giúp đỡ. Thấy những bệnh nhân hủi gặp khó khăn thì tôi cũng không quản khó khăn, vất vả để giúp đỡ họ. Những ai đã từng trải qua cuộc sống quằn quại mới cảm nhận được sự sống và tình yêu thương đáng quý biết nhường nào". Tôi nhận thấy giọt nước mắt tình thương chảy ra từ khóe mắt ông.
Hiện, vợ chồng ông Vinh đã có hai cháu, một trai, một gái đều không bị bệnh hủi như ông, bà. "Chúng tôi vui lắm, thấy con cái mạnh khỏe, chăm chỉ học hành, biết giúp đỡ bố mẹ, chúng tôi thêm sức mạnh để làm việc, kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Dù có bị con ma hủi hành hạ từng giờ từng phút nhưng không vì đó mà mình được gục ngã, chúng tôi còn phải lo cho gia đình, con cái", ông Vinh dùng tay bóp chặt, kìm nén từng cơn co giật khi con hủi vẫn đang gặm nhấm bàn tay.
Bây giờ, "đảo hủi" đã lùi xa vào dĩ vãng, sự đày ải, cô đơn và cô quạnh, tủi thân của những bệnh nhân hủi đã được xã hội sẻ chia. Dân "đảo hủi" đã thực sự hồi sinh khi lên bờ. Ông Trịnh Văn Sơn, trưởng thôn làng Ven cho biết, khi những người dân ở "đảo hủi" trở về, xã, huyện bố trí để họ sống trong làng Ven. Chính quyền đã giao đất, giao rừng cho từng hộ dân để họ có đất làm ăn, sinh sống. Hiện, những bệnh nhân này đã được sống hòa nhập cộng đồng và không bị hắt hủi nữa mà yên tâm sản xuất. Họ đã vượt lên những nỗi đau về thể xác, cần mẫn, kiên trì lao động và quyết tâm phát triển kinh tế. Đến nay, đã có nhiều hộ dân có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống của bệnh nhân hủi đã dần dần làm "thay da đổi thịt" vùng đất này.
Nỗi đau tình mẫu tử "Hồi đó, khi biết ai bị bệnh hủi thì dân làng sẽ đuổi ra khỏi nhà. Có những ông bà lão già lụ khụ vẫn bị con tống xuống thuyền đưa ra đảo. Con "ma hủi" thực sự là nỗi khiếp đảm của hàng ngàn người dân lúc đó", ông Vinh buồn rầu nhớ lại. |
Thế Hoàng