Trở lại Cát Bà sau bão
Trưa 10/9, hơn 1 ngày sau khi tuyến phà Đồng Bài - Phù Long nối đảo Cát Bà với đất liền, hoạt động trở lại, chúng tôi lên phà tới địa phương hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do bão Yagi của Tp.Hải Phòng.
Trước khi xuống phà, khi 2 du khách quốc tế đến hỏi mua vé, nhân viên bến phà xua tay: "Free" (miễn phí). Thoáng thấy vẻ ngạc nhiên của những vị khách nước ngoài, nhân viên bến phà giải thích cho hướng dẫn viên du lịch: "Chị bảo họ phà miễn phí giúp đảo Cát Bà khắc phục hậu quả do bão".
Phà rời bến Đồng Bài thẳng hướng đảo Cát Bà với ăm ắp ô tô, xe máy ở tầng 1. Trên tầng 2, có khoảng gần 200 người. Trong đó, có người rời đảo tránh bão, người tới thăm bạn bè, người thân và lực lượng chức năng giúp huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, sớm khắc phục hậu quả của bão.
Đặc biệt, trên phà còn có hơn 10 vị khách du lịch nước ngoài, chủ yếu đến từ Ấn Độ. Đây là tín hiệu vui về việc du lịch Cát Bà nói riêng, Tp.Hải Phòng nói chung, bắt đầu trở lại sau bão Yagi.
Lúc này, trên trời mây đen vần vũ, mưa bắt đầu nặng hạt. Phía mặt biển, nước đục ngầu do cửa sông gần đó đưa nước lũ từ thượng nguồn chảy xuống. Trong câu chuyện của khách đi phà, chúng tôi loáng thoáng nghe thấy những lời xót xa về tình hình lũ lụt ngày càng khủng khiếp tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái…
Sau hơn 20 phút ngồi phà, chúng tôi xuống bến Phù Long trên địa phận đảo Cát Bà. Ấn tượng đầu tiên là bãi rác đại dương do sóng, gió bão đưa vào. Trong đó, phần nhiều là những giàn nuôi nhuyễn thể bằng tre, gỗ bị gió bão đánh tan.
Trên tuyến đường xuyên Vườn quốc gia Cát Bà để đến thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, đâu đâu cũng thấy những hàng cột điện ngả nghiêng, những vạt rừng bị gió bão đánh tan tan. Có những cây cổ thụ vài người ôm bị gió bão nhổ tận gốc. May mắn, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã cho người dọn dẹp, chúng tôi mới có thể đi tiếp.
Dọc đường, bắt gặp những bầy dê tìm ăn những chiếc lá non nơi các cây bị gãy đổ. Con đầu đàn giương đôi mắt đen nháy nhìn những vị khách lạ đầy vẻ tò mò. Sau thấy an toàn, lại kêu váng "be, be" thông báo cho đàn yên tâm ăn tiếp.
Trao đổi nhanh khi chúng tôi ghé khu hành chính Vườn quốc gia Cát Bà, ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn, chia sẻ, thiệt hại của Vườn quốc gia Cát Bà rất nặng nề. Khu vực nhà ươm với nhiều giống cây quý bị bão tàn phá tả tơi. Nhiều khu vực cây bị gãy đổ la liệt, nhất là cạnh các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà.
Hiện Vườn quốc gia Cát Bà đang huy động toàn bộ lực lượng khắc phục hậu quả tại đơn vị cũng như thống kê thiệt hại. "Chúng tôi sẽ cố gắng giữ lại những cây gỗ quý bị bão làm gãy đổ", ông Thịu chia sẻ.
Thị trấn du lịch nổi tiếng tan hoang
Tới thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng - điểm du lịch được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn thời gian qua, khắp nơi hiện lên khung cảnh xơ xác, tiêu điều. Đặc biệt, khu vực đối diện cầu cảng (cũ), tan hoang như vừa bị ném bom trải thảm.
Nhiều cây xanh cỡ 2 - 3 người ôm bị gió bão nhổ bật gốc. Không kể xiết mái tôn, cửa kính, bảng biển hiệu, cột điện, đèn đường… bị bão hất văng tứ phía. Đến chiều muộn 10/9, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương cũng như người dân, mặc dù nai lưng để dọn dẹp, nhưng mọi thứ vẫn ngổn ngang.
Vì thế, mặc dù tuyến cáp quang vượt biển đã được khắc phục, nhưng hầu hết các khu dân cư, cơ quan, đơn vị… vẫn chưa được cấp điện trở lại. Sóng điện thoại cũng như mạng 4G nơi có, nơi không.
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là anh Vũ Hữu Lâm, 54 tuổi, ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, hiện đang làm bảo vệ cho một khu dịch vụ - giải trí ở gần bãi tắm Cát Cò 1 và Cát Cò 2. Anh Lâm cho biết, trước khi làm bảo vệ, anh có hơn 20 năm theo nghề đi biển, nhưng chưa bao giờ chứng kiến gió bão khủng khiếp đến thế.
"Trước khi bão số 3 đổ bộ, theo dự báo bão, với kinh nghiệm đi biển lâu năm, tôi chắc mẩm bão sẽ đổ bộ vào khu vực Cô Tô, Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Nhưng khi thấy thông báo hướng gió thay đổi, tôi lo ngại tâm bão sẽ đổ bộ vào Cát Bà và điều đó xảy ra thật", anh Lâm chia sẻ.
Khi bão số 3 đổ bộ quần thảo trên đảo Cát Bà nhiều giờ đồng hồ, anh Lâm "cố thủ" trong khu vực kiên cố nhất của khu dịch vụ - giải trí. Tận mắt anh chứng kiến gió bão "bốc" khu nhà hàng ở tầng 2 lên trời rồi quăng ra xa hơn 10 m. Biểu tượng của khách sạn gần đó nặng hơn 10 tấn cũng bị gió bão hất văng ra xa.
Trong số các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên đảo Cát Bà, chịu thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là cơ sở ăn uống, lưu trú của anh Lê Quang Hưng ở cạnh vịnh Đồng Hồ. Trao đổi với chúng tôi, anh Hưng cho biết, thiệt hại của cơ sở ước tính khoảng 6 - 7 tỷ đồng và phải mất đến 3 - 4 tháng với điều kiện đủ nhân lực, đủ tài chính, mới có thể khắc phục.
"Kinh doanh tại đảo Cát Bà hơn 12 năm, đây là lần đầu tiên cơ sở của tôi bị gió bão làm thiệt hại nặng nề đến vậy. Mặc dù không trực tiếp chứng kiến gió bão (thời gian đó anh Hưng đi công tác ở nước ngoài - PV), nhưng nghe nhân viên kể lại, tôi vẫn thấy rùng mình.
Trong thời gian bão đổ bộ, có 3 phòng khách du lịch nước ngoài lưu trú tại cơ sở của tôi. May mắn nơi ở của họ kiên cố nên không bị ảnh hưởng. Thực hiện kêu gọi của UBND huyện Cát Hải, cơ sở của tôi giảm 50% giá thuê phòng. Đồng thời, tạo điều kiện ăn cơm chung với nhân viên cơ sở không thu tiền", anh Hưng thông tin.
Nói về sự khủng khiếp của bão Yagi, bà Trần Thị Thoa, 67 tuổi, ở đường 1/4 thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở đảo Cát Bà. Đến nay, tôi lần đầu tiên chứng kiến gió bão mạnh đến thế. Có lẽ, phải mất nhiều tuần mới có thể khắc phục được thiệt hại. Và để nhịp sống bình thường, nhất là du lịch, cần rất nhiều thời gian, nỗ lực".
Tình người ấm áp sau bão lạnh
Hiện cuộc sống của người dân trên đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, vẫn còn muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, sau cơn bão dữ, tình người ấm áp đã xoa dịu những nỗi đau thương, mất mát.
Nói về điều này, anh Đỗ Mạnh Toàn, ở thị trấn Cát Bà, cho biết, sau khi bão qua, tại chợ Cát Bà, thịt và rau xanh rất hiếm. Ai cũng tranh thủ ra chợ sớm để mua lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu gia đình. Tuy nhiên, nhiều người đã tay trắng trở về do các sạp hàng nhanh chóng trống trơn.
Trong tình cảnh này, nhiều người ra chợ sớm mua được mớ rau, cân thịt sẵn sàng chia mớ rau, cân thịt mới mua được thành 2, thành 3 cho những người đến sau. Đặc biệt, mặc dù khan hiếm, nhưng những tiểu thương hầu như không tăng giá.
Đến chiều tối 10/9, nhiều nơi ở thị trấn Cát Bà vẫn chưa được cấp điện lưới trở lại, nhưng có khu dân cư gần cầu cảng vẫn sáng đèn. Người dân địa phương cho biết, đó là nguồn điện từ máy phát điện tại cơ sở lưu trú của chị Vũ Thị Huyền. Từ sau khi bão Yagi đổ bộ, chị Huyền cho máy phát chạy liên tục 24/24 giờ chia sẻ nguồn điện hiếm hoi cho các hộ dân xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi, chị Huyền cho biết, trong lúc khó khăn hoạn nạn, đến cơm ăn và áo mặc còn có thể nhường lẫn nhau huống chi chút điện. Chị chia sẻ nguồn điện từ máy phát của gia đình giúp hàng xóm, láng giềng bớt khó khăn, vất vả.
Tại bến Bèo ở thị trấn Cát Bà, chị Nguyễn Thị Nhài làm nghề lái đò máy đưa người qua lại các cơ sở nuôi cá lồng bè, cho biết, trong số hơn 20 thuyền và đò máy hoạt động tại đây, quá nửa bị gió bão làm đắm. Sau bão số 3, do nhu cầu tăng cao chị Nhài làm việc từ sáng sớm đến tối mịt đưa khách qua lại như con thoi giữa bến Bèo và các cơ sở nuôi cá lồng bè, tàu thuyền đang neo đậu tại vịnh Cát Bà.
"Tôi vẫn giữ mức giá cũ để mua dầu chạy máy và thêm chút đỉnh lo cho gia đình. Nhiều trường hợp gặp khó khăn, tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ không thu tiền. Lợi dụng lúc người khác khó khăn mà trục lợi, còn gì là con người nữa!", chị Nhài tâm sự.