Chiều muộn 10/9, dưới cơn mưa nặng hạt do hoàn lưu sau bão số 3 (bão Yagi), chúng tôi xuống chiếc đò máy nhỏ rời bến Bèo ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, để ra khu vực nuôi cá lồng bè trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu thiệt hại các hộ nuôi cá lồng bè, trước khi khởi động máy đưa đò rời bến, chị Nguyễn Thị Nhài - lái đò có thâm niên hơn 10 năm tại bến Bèo, buồn rầu: "Họ khổ lắm các chú à. Nhiều gia đình mất trắng số tiền hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, trong khi đang nợ đầm, nợ đìa".
Người đầu tiên mà chúng tôi tìm gặp là anh Vũ Văn Hương, ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, chủ lồng bè nuôi cá ở vịnh Cát Bà. Là người trực tiếp chứng kiến gió bão quần thảo suốt hơn 4 tiếng liền ở khu vực, anh Hương kể lại, mặc dù được núi bao quanh bao bọc, che chở, nhưng bão gió nơi đây vẫn rất khủng khiếp.
Có thời điểm gió bão cuốn bay mọi thứ, kể cả nước biển, tạo vòng xoáy như vòi rồng. Sóng gió liên tục nâng các lồng bè lên rồi hạ xuống như vận động viên bơi nước rút trên biển. Nhiều thời điểm, sóng cao hàng mét trùm qua toàn bộ khu vực nhà chòi.
"Trong lúc gió bão kinh hoàng ấy, tôi chỉ biết ôm chặt cây cột lớn để khỏi bị gió cuốn bay lên trời", anh Hương kể lại mà ánh mắt vẫn hằn rõ sự kinh hoàng trước sức mạnh của thiên nhiên.
Gần lồng bè nuôi cá của anh Hương là lồng bè nuôi cá của gia đình anh Vũ Văn Vóc, cùng ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Anh Vóc bắt đầu câu chuyện không phải là thiệt hại do bão số 3 gây ra, mà là những khó khăn mà những hộ nuôi cá lồng bè ở Cát Bà, trong đó có gia đình anh, phải trải qua từ năm 2020 đến nay.
Theo anh Vóc, chỉ trong vòng hơn 4 năm, gia đình anh cũng như các chủ cơ sở nuôi cá lồng bè có tới 3 lần điêu đứng do hứng chịu khó khăn, thiệt hại.
Lần thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Khi ấy, hàng chục tấn cá trong lồng bè mặc dù đã đến kỳ xuất bán, chẳng ai hỏi mua kể cả những thương lái gắn bó 10 - 20 năm.
Sau đó, do không còn tiền để mua cá mồi và thu hồi phần nào vốn bỏ ra để trả lãi vay, anh Vóc phải "cắn răng" bán cá theo giá "giải cứu" 120.000 - 130.000 đồng mỗi ký lô trong khi vào thời điểm trước đó khoảng 320.000 - 350.000 đồng/kg.
Sau vụ cá lỗ đến quá nửa ấy, gia đình anh Vóc phải ngừng nuôi một thời gian chờ đợi địa phương thực hiện việc cắt giảm, di dời và sắp xếp lại lồng bè trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà.
"Gia đình tôi may mắn nằm trong số gần 120 hộ của đợt 1 và đợt 2 được tái nuôi trồng tại vị trí mới. Tuy nhiên, để tiếp tục nuôi cá lồng bè, tôi đã phải vay mượn thêm gần 250 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa lồng bè bảo đảm yêu cầu của huyện Cát Hải cũng như Tp.Hải Phòng" anh Vóc chia sẻ.
Hơn 1 năm kể từ khi chuyển tới chỗ nuôi mới, gia đình anh Vóc vẫn chưa thu hoạch được lứa cá nào thì bão số 3 đổ bộ. Theo thống kê sơ bộ của anh, gió bão cuốn trôi số cá thịt ước tính khoảng 500 triệu đồng của gia đình. Đó là chưa kể tới số cá giống được chăm bẵm nhiều tháng qua.
"Đùng cái mất hàng trăm triệu đồng không phải đơn giản. Nhưng đó là thiên tai, gia đình tôi không biết bao giờ làm sao bây giờ. Chỉ mong Tp.Hải Phòng, huyện Cát Hải có sự quan tâm, hỗ trợ, nhất là vay vốn với lãi suất ưu đãi, để chúng tôi có thể tiếp tục làm nghề", anh Vóc nghẹn ngào.
Khi chúng tôi ghé qua, anh Đỗ Mạnh Toàn, ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng đang vớt những con cá gáy bị chết nổi lềnh phềnh trong những ô lồng bè.
Anh Toàn chỉ vào những con cá cỡ hơn 2kg mới vớt lên rồi ngậm ngùi: "Các anh thấy không, sóng gió khủng khiếp đến mức "mài" sạch vảy hai bên mình chúng như dùng dao đánh vảy. Không chỉ có bầy cá gáy này, nhiều con cá song, cá giò bị chết do sóng gió".
Anh Toàn kể lại, từ chiều 6/9, sau khi gia cố lại các ô lồng bè, nhà chòi, anh cùng các chủ nuôi cá lồng bè khác rời biển lên bờ tránh trú bão để bảo đảm an toàn theo yêu cầu của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Sáng 8/11, khi bão số 3 đi qua, khi xuống biển, anh Toàn "chết lặng" khi chứng kiến khung cảnh tan hoang. Sóng to, gió lớn làm gãy đôi nhiều thanh gỗ táu vốn nổi tiếng bền, cứng được làm khung lồng bè.
Trong số 120 ô lồng bè của gia đình anh toàn, nhiều ô lồng bè bị sóng nhấn chìm hoặc cuốn trôi, cá chết nổi trắng xóa. Thống kê số thiệt hại ban đầu, khoảng 1 tấn cá giò, 500 kg cá song, cá gáy bị sóng "mài" chết với giá trị khoảng hơn 1 tỷ đồng.
"Khi chứng kiến cảnh tài sản mà tôi và gia đình dành bao tâm huyết, của cải gây dựng, chăm sóc bị bão tàn phá, nước mắt cứ tứa ra lã chã hòa cùng nước mưa chảy xuống biển", anh Toàn chia sẻ.
Không chỉ có gia đình anh Toàn, anh Vóc, anh Hồng, mà gần 20 hộ nuôi cá lồng bè tại các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà của Tp.Hải Phòng bị thiệt hại tương tự. Trong đó, gia đình ông Đang bị sập hơn 10 ô lồng bè, gia đình ông Quang - Cẩn hơn nửa số bè bị đứt trôi tứ tán, gia đình ông Long bị sập nhà chòi…
Sau bão số 3, người nuôi cá lồng bè ở đảo Cát Bà tập trung xuống biển sửa chữa, gia cố lại lồng bè bắt đầu vụ nuôi mới. Nước biển Cát Bà vốn đã nhiều muối vì không gần vùng cửa sông, lại thêm vị mặn của những giọt mồ hôi với quyết tâm giữ biển và bám biển.