Người dân ở nhiều nước trên thế giới từ lâu đã có thói quen ăn cơm với đậu. Tuy nhiên, tác dụng của chế độ ăn truyền thống này đối với mức đường huyết vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí dinh dưỡng Nutrition Journal, đậu làm giảm rõ rệt lượng đường trong máu chỉ trong vòng vài phút.
Cụ thể, để hiểu tác dụng của đậu đối với mức đường huyết, các nhà khoa học đã so sánh mức đường huyết giữa các bữa cơm ăn với đậu so với chỉ ăn cơm ở bệnh nhân tiểu đường.
17 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 từ 35-70 tuổi đang điều trị bằng thuốc điều trị tiểu đường metformin hoặc chế độ ăn kiêng, tập thể dục đã tham gia vào một thử nghiệm ngẫu nhiên. Nghiên cứu được thực hiện với 3 công thức ăn sáng gồm: Cơm với đậu cúc; Cơm với đậu đen; Cơm với đậu đỏ. Với đối chứng là chỉ ăn cơm.
Lượng cơm và đậu trong mỗi công thức tương đương với 50 gram carbohydrat, ăn vào bữa sáng - sau 12 giờ nhịn đói qua đêm. Các nhà nghiên cứu đã đo mức đường huyết của những người tham gia tại thời điểm ban đầu và trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 180 phút sau khi ăn.
Kết quả, lượng đường trong máu "thấp hơn đáng kể" đối với 3 công thức ăn cơm với đậu, so với chỉ ăn cơm, ở 3 thời điểm 90, 120 và 150 phút sau khi ăn, theo nhật báo Express (Anh).
Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận, ăn cơm với đậu cúc, đậu đỏ hoặc đậu đen làm giảm mức đường huyết so với chỉ ăn cơm. Họ cho biết thêm, ăn cơm kiểu này là cách hữu hiệu trong số những phương pháp kiểm soát đường huyết không dùng thuốc.
Dưới đây là một số loại đậu giúp giảm lượng đường trong máu, rất tốt đối với bệnh nhân tiểu đường:
Đậu đen
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 ăn chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ có mức đường huyết thấp hơn. Ngoài ra, những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thể cải thiện lượng đường trong máu, lipid và mức insulin. 172 gam đậu đen nấu chín sẽ cung cấp khoảng 15 g chất xơ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến nghị về hàm lượng chất xơ cho một người một ngày là 25g chất xơ mỗi ngày dựa trên chế độ ăn 2.000 calo. Hàm lượng chất xơ có thể thay đổi tùy thuộc vào tổng lượng calo tiêu thụ.
Đậu đỏ
Đậu đỏ chứa hàm lượng cao các chất: Glucid, protein, chất xơ, chất béo không bão hòa và các vitamin… Các chất trong đậu đỏ có tác dụng giải độc rất tốt đồng thời tăng loại bỏ cặn bã, chất độc tồn tại trong thành ruột, loại bỏ chất béo dư thừa. Do đó nó có những công dụng đối với người đái tháo đường như giảm cân, ngăn ngừa bệnh tim mạch, kiểm soát đường huyết và mỡ máu, cung cấp lượng kali cơ thể bị thiếu hụt do tiểu nhiều, ổn định huyết áp, cải thiện chức năng thận.
Đậu côve
Đậu côve là nguồn cung cấp protein, chất xơ và folate dồi dào. Đây cũng là loại đậu có chỉ số đường huyết thấp được hấp thụ chậm, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Thêm vào đó, đậu côve giàu chất xơ hòa tan giúp đại tiện dễ dàng và đều đặn. Đậu côve còn làm giảm cholesterol và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, đậu côve chứa choline – một chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường sức khỏe tâm thần.
Đậu cúc
Mặc dù hàm lượng carb trong đậu cúc khá cao nhưng chúng không làm tăng lượng đường trong máu quá mức, do đậu cúc là thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu thực phẩm GI thấp có thể giúp cải thiện việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Ngoài ra, do đậu cúc có nhiều chất xơ và protein nên chúng thường được tiêu hóa chậm, từ đó làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu của bạn.
Đậu thận
Giống như các loại đậu khác, đậu thận có hàm lượng chất xơ cao có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Ăn đậu thận với cơm là cách đơn giản để ổn định đường huyết.
Đậu Hà Lan
Đậu Hà Lan là nguồn cung cấp chất xơ và protein dồi dào giúp giảm tình trạng kháng insulin, ngăn ngừa đường huyết tăng cao sau bữa ăn. Đồng thời, ăn đậu Hà Lan thường xuyên giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Chất xơ trong đậu Hà Lan còn nuôi dưỡng các vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột giúp đường ruột khỏe mạnh.
Minh Hoa (t/h)