Thời gian gần đây, một clip ghi hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, dấu hiệu giống như bị bệnh sán hạt gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương lan truyền trên mạng khiến nhiều người lo ngại và không cho con đến trường.
Nhiều phụ huynh đến trường thể hiện bức xúc, yêu cầu làm rõ. Hơn 10 ngày, trường chưa đưa ra câu trả lời. Sau đó, bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng nhà trường, nhận trách nhiệm, đồng thời khẳng định phía doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Báo Lao Động cho hay, chưa xử lý dứt điểm việc phụ huynh nghi ngờ thịt lợn trong bếp ăn học sinh có sán, trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) lại bị "tố" thịt gà không đảm bảo chất lượng.
Một phụ huynh chia sẻ với báo Người Đưa Tin: “Cách đây chưa đầy một tuần, một phụ huynh quay lại một miếng thịt lợn có sán, sau đó nhà trường đã phải mời phụ huynh lên làm việc và hứa sớm có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, đến nay sự việc cũ chưa qua mà việc này đã tới, tôi mong cơ quan chức năng sớm làm rõ việc này”.
Do liên quan đến tình trạng thịt lợn nghi nhiễm sán gạo, gà đông lạnh, chân gà hư hỏng... liên tiếp nhập vào bếp ăn nhà trường nấu cho học sinh mầm non ăn trong những ngày qua, nhà trường cũng đã dừng hoạt động bếp ăn bán trú trong 2 tuần để phục vụ công tác điều tra, dừng nhập thực phẩm từ công ty Hương Thành.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng (TP.HCM) chia sẻ với Zing.vn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể là điều kiện cho giun sán và các loại ký sinh trùng nguy hiểm đi vào cơ thể.
Trong đó, mỗi loại giun sán sẽ gây một sức tàn phá khác nhau trong cơ thể. Chúng có thể ăn lên não, cơ tim, mắt hoặc chỉ gây ngứa, mủ và viêm da.
Bác sĩ Ánh cho hay khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng không phát triển ngay thành những con giun nhỏ, mà tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, hình thành những khối u di chuyển được trong da và mô mềm, thường xuất hiện ở mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng,...
Khối u này dần chuyển thành một nốt nhỏ hoặc một khối phù nề, gây ra những tổn thương đối với hệ thần kinh trung ương như làm rối loạn tri giác, liệt nửa người, hôn mê.
"Sán ăn não nguy hiểm nhất hiện nay, tiêu biểu là ấu trùng sán gạo heo (thịt lợn không nấu kỹ, tiết canh), sán chó (dễ có trong rau sống, thịt sống, tái, gỏi cá), giun lươn (có trong rau sống, động vật thủy sinh như ốc, sò hấp, có thể gây tử vong)", bác sĩ Ngọc Anh cho biết thêm.
Khi nhiễm giun sán cơ thể bị tác động một cách âm ỉ kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, thể chất, tinh thần và trí tuệ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Để phòng tránh nhiễm giun sán, TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo người dân cần làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi. Ngoài ra, không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Các gia đình tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc, tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ.
Phong Linh (tổng hợp)