Từ lâu, rươi được coi là một đặc sản hiếm có, giàu chất dinh dưỡng của miền Bắc. Có thể chế biến thành nhiều món ăn như rươi kho, rươi nấu măng, rươi rán… nhưng món phổ biến, hấp dẫn nhất vẫn là chả rươi.
Thường thì rươi sinh sản vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch và mùa rươi chỉ kéo dài hai, ba tuần rồi hết. Loại rươi được bắt đúng mùa (khác với rươi được bảo quản, nuôi quanh năm) càng được nhiều người ưa chuộng, sẵn sàng mua với giá cao.
Tuy nhiên việc ăn rươu có thể gây nên những nguy hại khó lường cho người ăn như dị ứng, tiêu chảy cấp, sốc phản vệ. Khi bạn tiếp xúc với rươi, trong một thời gian ngắn nếu có các triệu chứng, biểu hiện bất thường như: khó thở, buồn nôn, lạnh run toàn thân, đi ngoài nhiều, nổi mẩn, mắt sưng húp, ngứa toàn thân… thì cần đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Dưới đây là một số lưu ý của tờ Sức khỏe & Đời sống quanh việc thưởng thức món ăn này:
Những đối tượng không nên ăn rươi
Nếu bạn thuộc một trong những đối tượng sau đây thì không nên mạo hiểm thử món ăn này:
- Những người có tiền sử dị ứng với hải sản (tôm, cua, mực...), nhộng.
- Những người vừa mới ốm dậy, sức đề kháng kém.
- Phụ nữ mang thai, người bị bệnh hen suyễn.
- Người bụng dạ khó tiêu.
Cách lựa chọn, sơ chế và bảo quản rươi đúng cách
Thực tế thì chúng ta không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của món rươi. Do đó, bạn hoàn toàn có thể chế biến và thưởng thức món ăn độc đáo, đầy sức hút này nếu như biết lưu ý một số điều cơ bản sau đây:
- Bước 1: Chọn những con rươi còn tươi, thường nằm ở bên trên, thân to tròn, bò khỏe, có sắc hồng đỏ. Tránh lựa chọn những con ở phía dưới thường là rươi non hoặc sắp chết.
- Bước 2: Ngâm rươi vào nước ấm ở nhiệt độ 45oC, làm sạch lông rươi, loại bỏ chất bẩn, cặn bã.
- Bước 3: Rửa rươi lại nhiều lần bằng nước sạch, sau đó để ráo và chế biến món ăn theo sở thích của mình.
Ngoài ra, bạn có thể cho rươi đã làm sạch vào hộp nhựa để vào ngăn đá của tủ lạnh để dùng dần.
N.H (Tổng hợp)