Rủ nhau làm giàu, anh nông dân kiếm hàng trăm triệu
Với ý chí và quyết tâm cao, hai anh nông dân rủ nhau nuôi chồn hương. Nhờ chăm chỉ và biết cách chăn nuôi loài đặc sản này, mấy năm trở lại đây, các anh đều "đút túi" gần nửa tỷ đồng.
Mô hình chăn nuôi chồn hương cho ăn trái cây của anh Dương Văn Toàn và anh Nguyễn Văn Tiến ở Tp.Pleiku đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Do muốn làm giàu từ nông nghiệp nên anh toàn và Tiến quyết tâm thực hiện cho bằng được. Thuở ban đầu khởi nghiệp vào năm 2018, anh Tiến và anh Toàn cùng nhau mua 2 cặp chồn hương về nuôi thử lấy kinh nghiệm. Sau khi học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ chăm sóc đến việc cho chồn sinh sản được, anh Toàn và anh Tiến đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi loài động vật hoang dã này.
Kể từ năm 2020 sau khi có chút kinh nghiệm nuôi loài động vật hoang dã này, các anh mua thêm 15 cặp chồn hương và xin cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã. Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên chồn hương hay gặp nhiều bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da và đặc biệt là không sinh sản. Sau đó, anh đã đến các trại chồn hương trong và ngoài tỉnh để học hỏi và nghiên cứu thêm tài liệu, sách báo hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn hương. Năm đầu chúng sinh sản được anh để lại làm giống và nhân rộng đàn. Đến nay, anh Tiến và anh Toàn đã có trang trại rộng khoảng 220 m2 với gần 200 chuồng nuôi.
Tiết lộ bí quyết khởi nghiệp với báo Gia Lai anh Tiến cho hay: Trong quá trình nuôi chồn hương đòi hỏi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh. Đặc tính của chồn hoang dã, ăn tạp nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Thức ăn yêu thích của chồn hương là côn trùng và một số loại quả ngọt như: đu đủ, chuối, mít…
Dần theo năm tháng vừa chăn nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm, để có thức ăn cung cấp cho chồn hương anh Tiến và anh Toàn đã trồng thêm 1,5 ha chuối, mít. Những quả chuối, quả mít chín không đạt tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường sẽ được gom về làm thức ăn cho chồn. Ngoài ra, 2 anh còn thường xuyên bổ sung thức ăn dinh dưỡng là món cháo được nấu với ếch, đầu gà và các loại cá thải loại.
Trong quá trình chăn nuôi, điều đáng nói trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ bị mẫn cảm với những loại thức ăn mới lạ. "Mỗi ngày cho ăn 1 lần vào các buổi chiều, do tập tính hoang dã, ban ngày chồn hương thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn. Trung bình, mỗi con chồn có khẩu phần ăn khoảng 2.000-3.000 đồng mỗi ngày. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng đã giúp chồn phát triển, sinh sản tốt. Chồn sinh sản phải 8-9 tháng tuổi trở lên, thời gian mang thai khoảng 3 tháng. Thông thường mỗi năm, chồn mẹ sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, tỷ lệ sống lên đến hơn 90%", anh Tiến cho hay.
Cùng chăn nuôi như anh Tiến, anh Toàn cho biết, loài chồn có nguồn gốc từ rừng, tuy được thuần hóa, nuôi dưỡng nhưng vẫn giữ bản tính hoang dã, nếu nuôi chung, chúng sẽ cắn nhau. Do vậy, 2 anh đã chia ra mỗi con nuôi 1 ô chuồng riêng rộng khoảng 1m2 và chia làm nhiều khu nuôi dành cho chồn sinh sản, chồn hậu bị và chồn con. Việc nuôi riêng mỗi con một ô lồng để đảm bảo chúng không thể cắn nhau và cũng để hạn chế dịch bệnh lây lan nếu có dịch.
Sau nhiều năm chăn nuôi và đã có trong tay tiền và kinh nghiệp anh Toàn mạnh dạn chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi duy trì đàn khoảng 80-180 con. Chồn hương thương phẩm nuôi 8 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 3,5 kg và bán với giá 1,7-2 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm. Từ năm 2021, chúng tôi bắt đầu xuất bán những lứa chồn đầu tiên. Năm 2023, chúng tôi bán được 80 con chồn thương phẩm với giá 4,5 triệu đồng mỗi con và 30 con giống, thu về được khoảng 500 triệu đồng".
Thời gian gần đây, các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã thương phẩm cũng đang góp phần bảo vệ và phát triển động vật hoang dã trong tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ động vật rừng, động vật hoang dã; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, truy quét để phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, gây nuôi động vật rừng trái phép. Đồng thời, hướng dẫn tổ chức, cá nhân người dân thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, thực hiện các điều kiện an toàn đối với vật nuôi, con người, vệ sinh môi trường, thú y, an toàn dịch bệnh; thực hiện khai báo, lập hồ sơ đăng ký gây nuôi động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp theo quy định".
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm, trên địa bàn tỉnh hiện có có tổng số 116 cơ sở nuôi động vật rừng, gồm: 39 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường (dúi, heo rừng lai, hươu sao, nhím bờm, nhím đuôi dài…) với tổng 1.840 cá thể; 77 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (cầy vòi hương, cầy vòi mốc, nai, công Ấn Độ, kỳ đà hoa, kỳ đà vân, rắn ráo trâu, rùa đất lớn, rùa núi vàng, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ) với tổng hơn 1.980 cá thể. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã hướng dẫn và cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cho 36 hộ kinh doanh.
Không chỉ Tiến và anh Toàn thu thu nhập tốt nhờ nuôi chuồn hương, tương tự anh Nguyễn Văn Thắng ở Nam Định nhẩm tính, 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, gia đình anh "đút túi" gần 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi chồn hương.
Theo Dân Việt, nông dân Nguyễn Văn Thắng có trong tay cuốn sổ kinh nghiệm chăn nuôi chồn hương được đúc rút sau thời gian dài ghi chép cẩn thận, anh Thắng bắt đầu nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi. Nhờ vậy, số lượng đàn chồn hương tăng dần theo thời gian. Hiện tại, thị trường tiêu thụ chồn hương của gia đình anh Thắng rất lớn, các thương lái thường liên hệ qua điện thoại đặt mua trước nhưng cung không đủ cầu. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Thắng đang xin cấp phép mở rộng quy mô gia trại.
Nuôi chồn hương thu lãi lớn, nông dân cũng phải lưu ý các thủ tục cần thiết
Không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi chồn hương đang được nhiều nông dân quan tâm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Tuy nhiên để được phép thực hiện chăn nuôi chồn hương, chủ hộ chăn nuôi cần hoàn thiện các thủ tục gồm: Giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp; xác nhận bảo vệ môi trường; cấp mã số trại nuôi tại cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh.
Các yêu cầu, tiêu chuẩn trong việc nuôi chồn hương như: yêu cầu về điều kiện diện tích; vị trí; thiết bị; an toàn sinh học... được quy định tại Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao hướng bán thịt và cho sinh sản, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn hương để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con.
Chồn hương thích sống riêng lẻ nên cần làm chuồng riêng cho từng con và chỉ nhốt chung chồn đực và chốn cái để phối giống trong thời gian ngắn khi chồn hương cái có các biểu hiện lên giống. Ðặc biệt, chồn con sau khi sinh chưa mở mắt và cần bú sữa, do vậy cần phải quan tâm chăm sóc đặc biệt cho chúng, đảm bảo giữ ấm và bổ sung, cung cấp đầy đủ sữa...
Chồn hương có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào lăn, hấp sả, nấu rựa mận... Đây đều là những món ăn hấp dẫn vị giác, đầy hương vị, màu sắc.
Trúc Chi (t/h)