"Phép màu" cho người đàn ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần
Dưới cái nắng dịu nhẹ giữa tháng 2, chúng tôi có dịp đến thăm Trại giam Đắk Trung (Bộ Công an), đóng trên địa bàn huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk). Bên trong những bức tường kiên cố và song sắt lạnh lẽo, những phận đời lầm lỡ đang từng ngày sám hối, nuôi dưỡng hy vọng tìm lại ánh sáng của lương tri và khát khao làm lại cuộc đời.
Theo chân cán bộ trại giam, chúng tôi tiến vào khu giam giữ phạm nhân nam. Tại đây, chúng tôi gặp Đặng Văn H., người từng đứng bên bờ vực cái chết, giờ đây đang từng ngày nỗ lực cải tạo để chuộc lại lỗi lầm.

Trại giam Đắk Trung - nơi đang giam giữ hơn 2.000 phạm nhân.
Năm 2018, chỉ vì một phút nóng giận, thiếu kiểm soát trong trong một vụ tranh chấp đất đai tại Đắk Nông, H. đã phạm tội nghiêm trọng và bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình về tội Giết người. Bản án được giữ nguyên trong phiên phúc thẩm tại TAND Cấp cao TP.HCM, khiến cánh cửa cuộc đời gần như khép lại với H..
Thế nhưng, ngay sau đó, gia đình H. cùng những người dân địa phương, đã đồng lòng ký đơn xin Chủ tịch nước và các cấp thẩm quyền xem xét, đánh giá lại bản chất hành vi của H. đồng thời xin được ân giảm án tử hình. Sau quá trình xem xét, cân nhắc, ngày 31/8/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định ân giảm án tử hình xuống chung thân cho Đặng Văn H.

Phạm nhân Đặng Văn H. kể lại giây phút được giảm án.
"Khi quyết định ân giảm án tử hình xuống chung thân được công bố, tôi như vỡ òa cảm xúc. Những tưởng cuộc đời tôi đã đặt dấu chấm hết, nhưng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước như một phép màu giúp tôi có cơ hội sống thêm lần nữa", H. chia sẻ.
Sau khi được đưa đến Trại giam Đắk Trung để chấp hành án, H. bước vào một hành trình mới – hành trình của sự chuộc lỗi và khát vọng hoàn lương. Nếu trước đây, mỗi ngày trôi qua đều chìm đắm trong ân hận và dằn vặt, thì giờ đây, H. học cách đối diện với quá khứ, biến nỗi ân hận thành động lực để thay đổi. H. hiểu rằng, chỉ có sự nỗ lực không ngừng nghỉ mới có thể giúp mình tìm lại chính mình.
"Ở đây, tôi nhận được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình từ các cán bộ quản giáo. Nhờ chăm chỉ lao động, học nghề và sự động viên của cán bộ, tôi dần nhận ra giá trị của việc sống có trách nhiệm. Tôi vô cùng ân hận về những lỗi lầm trong quá khứ và chỉ mong một ngày nào đó được trở về với gia đình để làm lại cuộc đời. Để có được cơ hội đó, tôi còn phải cố gắng rất nhiều", H. nói.

Các cán bộ trại giam thường xuyên thăm hỏi, động viên H. cố gắng cải tạo, rèn luyện để có cơ hội trở về với gia đình và xã hội.
Không chỉ nỗ lực cải tạo bản thân, H. còn truyền động lực cho những phạm nhân khác, cùng nhau sửa sai, tìm lại giá trị của chính mình. Từng ngày trôi qua, H. không chỉ lao động chăm chỉ mà còn chủ động giúp đỡ bạn tù, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn.
Ánh sáng cuối con đường
Dưới sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo, chúng tôi tiếp tục gặp gỡ nhiều phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Đắk Trung.
Trong số đó, có Nguyễn Duy T. (SN 1982, trú tại phường Tân An, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) – người từng sở hữu tất cả những gì mà nhiều người ao ước, nhưng lại đánh mất mọi thứ chỉ vì lầm lỗi của bản thân.
Lặng đi trong giây lát, T. bắt đầu kể, T. từng là một cán bộ công an, một người chồng, một người cha hạnh phúc với mái ấm nhỏ bên vợ và con gái.
Nhưng những biến cố không thể đoán trước đã đẩy cuộc đời T. sang một hướng hoàn toàn khác. Tháng 9/2013, cuộc hôn nhân của vợ chồng T. kết thúc bằng một bản án ly hôn. Gia đình tan vỡ và những áp lực đè nặng khiến T. mất dần phương hướng.

Những phận đời lầm lỡ không ngừng nuôi hy vọng tìm lại ánh sáng của lương tri và khát khao làm lại cuộc đời.
Nợ nần bủa vây, T. lần lượt bán hết tài sản mà mình từng có. Từ cuối năm 2013 đến tháng 10/2017, T. đã lợi dụng những mối quan hệ trong xã hội để đưa ra thông tin gian dối, hứa hẹn xin cho một số xin được đi nghĩa vụ, sau đó chuyển qua chuyên nghiệp trong ngành công an nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Tuy nhiên, sự thật không thể che giấu mãi. Với hành vi phạm tội gây ra, T. phải đối diện với bản án nghiêm khắc 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được đưa vào trại giam từ cuối năm 2019, T. không ngừng day dứt khi nhìn lại cuộc đời mình với nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Từng khoác trên mình màu áo của người bảo vệ pháp luật, giờ đây T. phải đối mặt với bản án nghiêm khắc do chính mình gây ra. Tuy nhiên, nỗi đau lớn nhất với T. không phải là những tháng năm cải tạo sau song sắt, mà là vết thương sâu trong lòng cha mẹ già và con gái bé bỏng.
"Khi bị khởi tố, bắt tạm giam, tôi hiểu rằng mình phải trả giá cho những gì đã làm. Thế nhưng, điều khiến tôi day dứt nhất là sai lầm của mình đã để lại hệ lụy nặng nề cho gia đình suốt 3 thế hệ", giọng T. trầm xuống.

Anh Nguyễn Duy T. khẳng định, cải tạo là cơ hội duy nhất để làm lại cuộc đời sau những lỗi lầm.
Đối mặt với những ân hận muộn màng, T. không cho phép mình gục ngã. T. quyết tâm cải tạo, coi đó là cơ hội duy nhất để làm lại cuộc đời. Mỗi ngày, T. lao động vất vả, học tập chăm chỉ, rèn luyện bản thân để từng bước chuộc lại lỗi lầm.
"Sự hối hận của tôi không thể đo bằng nước mắt, mà phải thể hiện qua hành động. Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải cải tạo tốt, để một ngày khi bước ra khỏi cánh cổng trại giam, tôi có thể ngẩng cao đầu sống một cuộc đời lương thiện", T. chia sẻ.
Trong suốt thời gian cải tạo, T. luôn coi các cán bộ quản giáo là những người thầy, người anh, người chị tận tâm. T. lý giải: "Từ khi vào đây, tôi luôn nhận được sự lắng nghe và động viên từ các cán bộ quản giáo. Họ đã khơi dậy niềm tin vào sự hoàn lương của những người lầm lỡ như tôi. Mỗi lời khuyên nhủ, mỗi cử chỉ quan tâm dù nhỏ bé đều của các cán bộ chính là ánh sáng soi sáng những góc tối trong tâm hồn chúng tôi. Họ đã giúp chúng tôi hiểu rằng con đường trở về với cuộc đời lương thiện dù rất gian nan nhưng vẫn luôn rộng mở".
Mặc dù con đường trở về với gia đình và cộng đồng còn rất xa, nhưng T. luôn ấp ủ một ước mơ giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Nam phạm nhân dự định, sau khi chấp hành xong án tù sẽ tham gia vào công tác thiện nguyện, giúp đỡ những người lầm lỡ tìm lại chính mình.
"Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, câu chuyện của tôi có thể giúp thức tỉnh những người đang đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Đừng để khi mất đi tất cả mới nhận ra giá trị của 2 chữ "lương thiện"", phạm nhân T. nhắn nhủ. (Còn nữa)
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chiến, cán bộ quản giáo Đội phạm nhân số 3, Phân trại số 1 (Trại giam Đắk Trung) cho biết, tất cả các phạm phân vào đây đều không ngừng nỗ lực cải tạo, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy của trại giam.
Đối với phạm nhân Đặng Văn H., từ ngày nhập trại đến nay đã an tâm tư tưởng cải tạo, tích cực trong lao động, có sự phấn đấu để sớm có cơ hội trở về với gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, H. còn được lãnh đạo đơn vị và cán bộ quan tâm, đào tạo nghề đan lát thủ công mỹ nghệ. Thời gian đầu, do chưa quen nên việc học nghề của H. còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì học tập, rèn luyện, H. cũng đã học được những kiến thức cơ bản. Hiện tại, kết quả cải tạo của H. đang được xếp loại khá.
Khánh Ngọc