Ánh sáng sau song sắt – Bài 5: Sứ mệnh của những người chiến sĩ công an

Ánh sáng sau song sắt – Bài 5: Sứ mệnh của những người chiến sĩ công an

Thứ 3, 25/02/2025 06:30

Với nhiều giải pháp thiết thực, các cán bộ, chiến sĩ cùng Ban Giám thị Trại giam Đắk Trung đã khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong những con người lầm lỡ, giúp họ thay đổi nhận thức và quyết tâm trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Gian nan cảm hóa người lầm lỗi

Để cảm hóa những con người lầm lỡ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, các cán bộ, chiến sĩ và Ban Giám thị Trại giam Đắk Trung (Bộ Công an) đóng chân tại huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) đã trải qua không ít khó khăn, gian khổ. Để hiểu rõ hơn về hành trình này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Đại tá Lê Trọng Ngà (SN 1967), Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung.

Đại tá Ngà cho biết, từ ngày 1/12/1988, ông được điều động về công tác tại Trại giam Đắk Trung. Ngay từ những ngày đầu, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh thiếu thốn trăm bề của đơn vị. 

"Thời điểm ấy, khu vực này còn là vùng sâu, vùng xa, rừng núi hoang vu. Cơ sở vật chất của đơn vị rất nghèo nàn, lạc hậu, đường sá đi lại cũng rất khó khăn. Những khu giam giữ chỉ là nhà tranh, vách lá, điều kiện làm việc của cán bộ cũng vô cùng gian khổ. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Bộ Công an, từ năm 1995-1996, cơ sở giam giữ của Trại giam Đắk Trung đã từng bước được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý phạm nhân", Đại tá ngà chia sẻ.

Ánh sáng sau song sắt – Bài 5: Sứ mệnh của những người chiến sĩ công an- Ảnh 1.

Phạm nhân tại Trại giam Đắk Trung nỗ lực cải tạo, học tập và rèn luyện bản thân.

Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, Đại tá Ngà đã từng nhiều lần đối diện với nguy hiểm khi làm nhiệm vụ. 

Theo đó, trong thời gian tham gia công tác trinh sát, ông dành đến 8 tháng mỗi năm lênh đênh khắp các tỉnh, thành để truy bắt tội phạm truy nã. Không ít đêm, ông phải thức trắng để lần theo dấu vết đối tượng. Trong một lần truy bắt tại tỉnh Gia Lai, ông suýt mất mạng khi đối mặt với 1 đối tượng hung hãn có vũ khí. 

Mặc dù vậy, ông luôn giữ vững tinh thần thép của một chiến sĩ công an nhân dân và chưa từng có ý nghĩ bỏ cuộc. Năm 2023, ông một mình bắt được 8 đối tượng truy nã, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Đại tá Ngà khẳng định: "Ngay từ khi bước chân vào ngành, tôi đã xác định đây là nghề giữ gìn an ninh trật tự, là nghề cống hiến, nên dù khó khăn đến đâu cũng phải kiên trì, không ngại khó ngại khổ, quyết tâm cùng các đồng đội chiến đáu đến hơi thở cuối cùng".

Gần 20 năm giữ vai trò là Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung, Đại tá Ngà đã thấm thía không ít gian nan, thách thức trong công tác quản lý và cảm hóa phạm nhân. 

Ông chia sẻ: "Những năm gần đây, số lượng phạm nhân ngày càng tăng, tính chất tội phạm cũng trở nên manh động, phức tạp hơn. Có phạm nhân mang đến 8 tiền án, bước vào trại với thái độ bất cần, chống đối quyết liệt. Nhiều người không tin vào pháp luật, không tin vào công tác giáo dục trong trại giam".

Ánh sáng sau song sắt – Bài 5: Sứ mệnh của những người chiến sĩ công an- Ảnh 2.

Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung gặp gỡ, động viên các phạm nhân.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều phạm nhân khi vào trại có dấu hiệu tâm lý bất ổn do lạm dụng chất kích thích trước đó. Không chỉ vậy, những người lĩnh án chung thân thường mang tâm lý tiêu cực, bi quan vì nghĩ rằng mình không còn ngày trở về. Thậm chí, có không ít phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm HIV, khiến diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, việc cảm hóa họ là một quá trình đầy khó khăn và thách thức.

Cũng theo lời Đại tá Ngà, mỗi phạm nhân là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau. Có người từ nhỏ đã thiếu tình thương, không được giáo dục bài bản. Có người khi vào trại không có ai thăm nom, dẫn đến tâm lý càng bất ổn. Với những phạm nhân này, các cán bộ trại giam không chỉ là người quản lý, mà còn là những người thầy, người thân, người đồng hành trên hành trình cải tạo.

"Giáo dục phạm nhân không thể chỉ bằng mệnh lệnh hay kỷ luật nghiêm khắc. Điều quan trọng là phải hiểu họ, khơi dậy những giá trị tốt đẹp còn sót lại trong tâm hồn họ. Từ đó, giúp những con người từng lầm lỗi thay đổi nhận thức, tư tưởng và làm lại cuộc đời", Đại tá Ngà bộc bạch.

Khi niềm tin được gieo mầm

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", Ban Giám thị cùng các cán bộ, chiến sĩ Trại giam Đắk Trung đã kiên trì cảm hóa phạm nhân bằng sự thấu hiểu, lòng nhân ái và những biện pháp giáo dục đổi mới.

Để giúp phạm nhân nhận thức rõ tội lỗi với nhân dân, xã hội và sửa đổi bản thân, Ban Giám thị trại, cùng các cán bộ, chiến của trại giam đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ, lai lịch một cách kỹ lưỡng, từ đó xác định điểm yếu, tâm lý từng người nhằm có phương pháp giáo dục phù hợp.

Theo Đại tá Lê Trọng Ngà, việc giáo dục phạm nhân đòi hỏi Ban Giám thị và đội ngũ cán bộ trong trại phải đầu tư nhiều công sức, thời gian và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. 

"Đối với mỗi cảnh sát trại giam, thành công hay không phụ thuộc vào việc phạm nhân có tin tưởng Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ hay không. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ phải luôn gương mẫu, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người công an nhân dân và người cách mạng. Đồng thời, họ không ngừng đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giáo dục, cảm hóa, giúp phạm nhân thay đổi tư duy, nhận thức", Đại tá Ngà lý giải.

Ánh sáng sau song sắt – Bài 5: Sứ mệnh của những người chiến sĩ công an- Ảnh 4.

Cán bộ quản giáo tận tình đào tạo nghề cho phạm nhân tại Trại giam Đắk Trung.

Công tác giáo dục tại Trại giam Đắk Trung không chỉ dừng lại ở việc giúp phạm nhân nhận thức tội lỗi mà còn hướng tới việc xây dựng hành trang cho mình trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, ngoài việc đào tạo nghề, trại giam còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, đọc sách, xem truyền hình... giúp phạm nhân rèn luyện thể chất, nâng cao nhận thức.

Vào các dịp lễ, Tết, trại giam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phạm nhân, trích kinh phí từ Quỹ Tấm lòng vàng – được đóng góp bởi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, các nhà hảo tâm và thân nhân phạm nhân để trao quà cho những người không có thân nhân thăm nuôi, những người đang ốm đau. 

Đối với những phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo, trại giam cũng tạo điều kiện chăm sóc, điều trị với những giải pháp tốt nhất. Nhiều người khi nhập trại trong tình trạng sức khỏe yếu, nhưng nhờ được chăm sóc tận tình, đã dần hồi phục và tiếp tục hành trình cải tạo.

Ánh sáng sau song sắt – Bài 5: Sứ mệnh của những người chiến sĩ công an- Ảnh 5.

Số phạm nhân cải tạo tốt ngày càng tăng.

Sự kiên trì, nỗ lực trong công tác giáo dục, cùng tinh thần đoàn kết của Đảng ủy, Ban Giám thị và toàn bộ hệ thống chính trị tại Trại giam Đắk Trung đã giúp cho hầu hết phạm nhân đã dần thoát khỏi quá khứ lầm lỗi, lấy lại niềm tin vào pháp luật, chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. 

Họ không chỉ tin tưởng vào sự dẫn dắt của Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ mà còn từng bước thay đổi nhận thức, quyết tâm cải tạo để sớm được trở về với gia đình, xã hội. Nhiều phạm nhân có quá trình cải tạo khá còn chủ động hỗ trợ Ban Giám thị và cán bộ trại giam trong việc giáo dục, động viên những phạm nhân cải tạo kém, thường xuyên vi phạm.

Nhờ đó, số phạm nhân cải tạo tốt ngày càng tăng, tỉ lệ vi phạm nội quy giảm dần theo từng năm. Đặc biệt, tỉ lệ tái phạm sau khi được tha tù rất thấp, không đến 1%.

Thông tin từ Đại tá Ngà cho biết, hiện, Trại giam Đắk Trung đang quản lý gần 3.000 phạm nhân. Từ năm 2018 đến nay, đơn vị không có phạm nhân trốn trại. 

"Thành công lớn nhất của các cán bộ, chiến sĩ và Ban Giám thị là đã cảm hóa được những con người lầm đường lạc lối, giúp họ quyết tâm cải tạo, hướng về thiện, để sớm trở về với gia đình, cộng đồng. Chỉ cần như vậy, những cán bộ trong trại giam đã cảm thấy rất vui mừng", Đại tá Ngà nhấn mạnh.

Ánh sáng sau song sắt – Bài 5: Sứ mệnh của những người chiến sĩ công an- Ảnh 6.

Gần 40 năm công tác tại Trại giam Đắk Trung, Đại tá Lê Trọng Ngà luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trải qua 50 năm (1975-2025) đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trại giam Đắk Trung đã không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, đoàn kết một lòng. Từ những thành quả này, Trại giam Đắk Trung đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, năm 2024, Trại giam Đắk Trung được Bộ Công an tặng Cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở, Đảng bộ đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.