Công nghệ này sử dụng cảm biến sinh học để đo nhiệt độ và cảnh báo người sử dụng về những thay đổi đáng lo ngại.
Doanh nhân trẻ đã có ý tưởng tạo ra chiếc áo ngực sau khi mẹ cậu suýt qua đời vì ung thư khi cậu mới 13 tuổi. Và giờ đây, sáng chế của cậu có thể cứu sống hàng triệu người.
Julian Rios Cantu, 18 tuổi và ba người bạn của cậu đã phát triển chiếc áo ngực tên Eva được trang bị 200 bộ cảm biến sinh học theo dõi nhiệt độ, hình dạng và trọng lượng bộ ngực của phụ nữ.
Thông tin sẽ được hiển thị trong ứng dụng điện thoại, sẽ cho phụ nữ biết nếu có những thay đổi đáng lo ngại. Phụ nữ chỉ cần mặc chiếc áo ngực Eva chỉ 60-90 phút/tuần.
Công ty Higia Technologies của những chàng trai này đã giành được Giải thưởng Doanh nhân Học sinh Toàn cầu (GSEA) tại Frankfurt, Đức vào ngày 27-29/4 vừa qua.
Theo BBC, "áo ngực tự chẩn đoán" vẫn còn ở giai đoạn nghiên cứu ban đầu. Nhờ cuộc thi GSEA , những chàng trai trẻ đã giành được 20.000 USD để tiếp tục phát triển nó. Công ty nói rằng sản phảm này giúp “nâng cao chất lượng cuộc sống của người phụ nữ bằng cách tiến tới các phương pháp tự phát hiện bệnh chuyên nghiệp để có phát hiện sớm và chính xác đối với bệnh ung thư vú”.
Tháng 6 năm ngoái, Rios Cantu đã tweet một bức ảnh với chú thích: "Trong tay tôi là nguyên mẫu đầu tiên của chiếc áo ngực tự vận hành của Higia Technologies".
Thậm chí, tổng thống Mexico đã tweeted để chúc mừng Rios Cantu sau khi Higia Technologies giành được giải thưởng tại Frankfurt, Đức.
5 năm trước, mẹ của Rios Cantu được chuẩn đoán ban đầu có một khối u lành tính nhưng sáu tháng sau nó đã thành ung thư khiến bà phải cắt bỏ cả hai bên ngực. Điều này đã thôi thúc Rios Cantu sáng chế ra thiết bị có thể phát hiện ung thư sớm hơn.
Theo thống kê, hằng năm có khoảng 8,2 triệu người tử vong vì ung thư vú trên toàn thế giới. Các khối u thay đổi nhiệt độ da do sự gia tăng lưu lượng máu nhưng sự gia tăng lưu lượng máu không cần thiết sẽ khiến người mang u phát triển thành ung thư.
Bà Anna Perman đến từ Viện Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc nói với BBC: "Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy chiếc áo ngực này là cách đáng tin cậy để phát hiện khối u và việc cho phụ nữ sử dụng công nghệ chưa qua thử nghiệm khoa học có chất lượng không phải là một ý hay". Tuy nhiên, bà cũng cho biết: "Thật tuyệt khi chứng kiến những người trẻ như Julian yêu thích khoa học và có những ý tưởng có thể giúp chẩn đoán bệnh ung thư”.
Theo Giao Thông