Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa được một số hãng hàng không đưa ra như Vietnam Airline (VNA), Jetstar Pacific lên bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn là chủ đề “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm.
Các hãng hàng không đề xuất đưa ra lý do nhằm kiềm chế tình trạng phát triển nóng của ngành hàng không, tăng chất lượng dịch vụ và tăng thêm lợi nhuận thu về cho các hãng hàng không để tái đầu tư.
VNA đã đưa ra khung giá xây dựng dựa trên cơ sở chi phí biến đổi, chi phí thiết bị bay. Cụ thể, giá trần sẽ là 4,2 triệu đồng/vé, giá sàn sẽ là 1,54 triệu đồng/vé.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Một trong những nguyên tắc xác định giá dịch vụ theo Thông tư số 36 ngày 24/7/2015 của bộ GTVT là phải đảm bảo tính cạnh tranh, không lạm dụng vị trí độc quyền.
Ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi cho rằng việc quy định mức giá trần vé máy bay thì chấp nhận được. Còn việc quy định mức giá sàn vé máy bay thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra: “Quy định giá sàn vé máy bay, đồng nghĩa với việc bất cứ một hãng nào đó dù có hạ giá thành đến mấy cũng không được phép bán vé thấp hơn giá sàn và sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh.
Trong kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực phát triển. Cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và hạ giá vé máy bay. Điều này có lợi cho người tiêu dùng”.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, trong mấy năm gần đây, các hãng máy bay giá rẻ đã tạo cơ hội cho những người thu nhập thấp di chuyển bằng phương tiện máy bay mà trước đây đối với họ là điều xa xỉ.
Máy bay giá rẻ còn góp phần phát triển du lịch. Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay là "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng". Việc quy định mức giá sàn vé máy bay, liệu đã vì người tiêu dùng?”.
Xem thêm: Áp giá sàn vé máy bay: Hãng lo thị phần, chỉ người tiêu dùng thiệt
Vũ Phương