Điều này lại dấy lên nỗi lo của nền giáo dục Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0, khi mà học sinh mọi lứa tuổi đang phải dốc hết sức để đâm đầu vào sách vở, học thêm từ trung tâm đến học gia sư chỉ mong chạy đua kịp với những con số về điểm chác. Không chỉ học sinh phải chạy đua, mà phụ huynh cũng phải theo gót chân con, vì áp lực nhà trường, áp lực xã hội.
Chị Lê Thị Hoa (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay con gái lớn nhà tôi dự định sẽ thi vào trường chuyên Amsterdam, quy định của trường thi vào ngặt nghèo quá, còn quy định phải học bạ toàn điểm 10 nữa mới được dự tuyển, cũng may mấy năm nay tôi ép con học gia sư rồi học trung tâm, nên cũng không lo lắm”.
Hay phụ huynh Trần Thị Quế (Thanh Hóa) tâm sự: “Mấy năm nay, giáo dục ngày càng khắt khe, con cái học hành cũng chịu nhiều áp lực, các con mất hết tuổi thơ như chúng tôi ngày xưa, giờ các con chỉ có học và học, ngày nghỉ thì đi học tiếng Anh ở trung tâm cho bằng bạn bằng bè, để không bị tụt hạng, luôn phải cố gắng hết sức để đạt điểm số cao. Nhìn các con thương lắm nhưng cũng không biết làm gì”.
Em Bùi Quỳnh Anh, học sinh lớp 5 trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: "Em tính thi vào trường chuyên Amsterdam, nhưng nghe mẹ em bảo xét học bạ phải toàn điểm 10, duy nhất 1 điểm 9 thôi. Em nghĩ là em không có cơ hội thi vào rồi. Em cũng xin mẹ học chỗ này, chỗ kia cho theo kịp các bạn cũng như không làm bố mẹ, thầy cô buồn, nhưng nghĩ đến không thi đỗ trường chuyên em buồn lắm".
Em Mai Khánh Ly, học sinh lớp 9 thuộc trường chuyên tại huyện lẻ của tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Em quyết định thi lên lớp 10 chuyên của huyện, nhưng mà thấy bảo khó lắm vì năm ngoái huyện mới sáp nhập 2 trường lại với nhau, tỷ lệ chọi cao lắm, nên em hơi lo, mặc dù em đi học ngày đêm, nhưng cũng không đủ tự tin là mình có thể giành phần chắc chắn để đỗ được”.
Bạn Trương Thị Minh – sinh viên năm 3 tại trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Em đang dạy gia sư môn tiếng Anh cho một em học lớp 5 nhà tại đường Hoàng Quốc Việt, năm nay các em thi lên lớp 6 cũng vất vả lắm, phải cạnh tranh nhiều vì các trường không đủ chỗ để nhận, đặc biệt là các trường điểm, tỷ lệ chọi cao mà phần trăm đỗ rất thấp. Hơn nữa giờ các em quan trọng điểm số lắm, các em sợ điểm thấp sẽ bị thầy cô mắng, làm phụ huynh thất vọng, nên các em đâm đầu vào học, không như chúng em ngày xưa vẫn còn thời gian để thở".
"Bây giờ chỉ cần không học bài một hôm là các em bị tụt lùi vị trí trong lớp ngay, nhiều lúc em dạy tiếng Anh nhưng vẫn phụ đạo thêm môn khác cho các em, vì nhìn tội lắm”, bạn Minh cho biết thêm.
Thế mới nói, áp lực học hành từ nhà trường đè xuống không chỉ học sinh mà còn các bậc cha mẹ, luôn mong con mình có kết quả học tập tốt nhất để sau này có thể có tương lai xán lạn, nhưng tất cả đâu biết rằng, người gánh chịu hậu quả lớn nhất lại là các em học sinh. Đã bao giờ giáo viên hay phụ huynh hỏi rằng, các con thực sự có muốn hay không? Các con có chịu được áp lực này hay không? Mà chỉ hỏi các con khi về tới nhà: “Hôm nay con được mấy điểm, làm bài có tốt không?".
Vô hình trung, sự kỳ vọng của phụ huynh, của nhà trường vào những bảng điểm đẹp đang cướp đi tuổi thơ quý giá của những đứa trẻ đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
Theo văn bản số 1328/SGDĐT do sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, với các học sinh dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ trải qua 2 vòng tuyển sinh kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực.
Vòng 1, nhà trường tổ chức xét tuyển những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ hợp lệ.
Vòng 2, nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực đối với những học sinh đã qua xét tuyển vòng 1.
Tuy nhiên, để được dự thi kiểm tra đánh giá năng ở vòng 2, học sinh đang học lớp 5 có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội sẽ phải trải qua vòng 1, với việc xét tuyển hồ sơ gồm những yêu cầu rất khắt khe.
Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn Toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên.
Hai năm học trên có tổng cộng 4 bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, tiếng Việt. Yêu cầu 39 điểm/4 bài kiểm tra, có nghĩa học sinh phải có 1 bài được điểm 9, còn lại phải toàn điểm 10 mới đạt yêu cầu.
Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm.
Đến năm lớp 4 và 5, tổng 4 bài kiểm tra định kỳ các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý phải đạt 40 điểm (tất cả các môn phải đạt điểm 10).