“Bà trùm” của Xuyên Việt Oil khai gì?

“Bà trùm” của Xuyên Việt Oil khai gì?

Võ Công Thư

Võ Công Thư

Thứ 4, 20/11/2024 18:07

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil thừa nhận hành vi phạm tội với vai trò cầm đầu và mong muốn được khắc phục hậu quả.

Ngày 20/11, TAND Tp.HCM đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt là Công ty Xuyên Việt Oil).

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil, bị xét xử về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.

Cấp phó của bị cáo Hạnh là Nguyễn Thị Như Phương bị xét xử tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, 13 bị cáo là cựu quan chức thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM và nhiều thuộc cấp của bị cáo Hạnh cũng bị truy tố, xét xử chung trong vụ án này.

“Bà trùm” của Xuyên Việt Oil khai gì?- Ảnh 6.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận mình là người điều hành toàn diện hoạt động của Công ty Xuyên Việt Oil.

Bị cáo Hạnh được biết đến là "bà trùm" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình điều hành Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh có vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng.

Cụ thể, bị cáo Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ Bình ổn giá và tiền bảo vệ môi trường, trực tiếp gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ Quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.

Bị cáo Hạnh đã không chỉ đạo nhân viên thực hiện quy định về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định mà chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương chuyển tiền từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân để dùng vào mục đích cá nhân.

Tại thời điểm tháng 5/2023, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Xuyên Việt Oil là hơn 219 tỷ, tuy nhiên khi báo cáo liên Bộ Tài chính - Công Thương, Hạnh và thuộc cấp chỉ báo cáo quỹ này chỉ có hơn 2 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo Hạnh và nhiều thuộc cấp bị cáo buộc vi phạm quy định trong việc được Nhà nước giao quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát 219 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã thu hộ 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường nhưng Hạnh lại không nộp vào ngân sách Nhà nước là 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Tính đến khi bị phát hiện, khởi tố, trong 36 tài khoản của Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil chỉ còn lại hơn 4 tỷ đồng. Bị cáo Hạnh không còn khả năng tài chính để nộp số tiền đã thu hộ này, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng.

Về số tiền thất thoát, Hạnh sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân, trong đó Hạnh mua nhiều bất động sản, cho mượn và dùng hàng chục tỷ đồng để đưa hối lộ cho nhiều cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế Tp.HCM,…

Là người được gọi xét hỏi đầu tiên, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh nói cáo trạng truy tố mình là đúng. Đồng thời, Hạnh thừa nhận mình là người điều hành toàn bộ Công ty Xuyên Việt Oil và cũng là người đưa ra các chỉ đạo cho thuộc cấp thực hiện.

Về việc tuyển nhân viên, Hạnh khai những người làm việc ở Xuyên Việt Oil đều là những người ở quê vào, ít hiểu biết và không biết bị cáo đang làm sai quy định.

Như trường hợp của Nguyễn Thị Như Phương, bị cáo Hạnh nói Phương là em con chú, được bị cáo cho làm Phó giám đốc để quản lý công ty, chịu trách nhiệm ký tá nhiều giấy tờ thay bị cáo vì bị cáo thường phải đi công tác xa.

Hay như bị cáo Đinh Tiến Dũng được bổ nhiệm làm kế toán trưởng của Công ty Xuyên Việt Oil, nhưng thực tế Dũng chỉ đến công ty vài lần trong một tháng khi có việc cần. Ngoài ra, cựu Trưởng phòng Kinh doanh Xuyên Việt Oil - Nguyễn Tấn Long cũng được nhận vào làm vì là người quen, tin tưởng và chỉ có nhiệm vụ ở công ty để bán hàng.

Liên quan đến hành vi gây thất thoát hơn 219 tỷ đồng của Quỹ bình ổn giá (Quỹ BOG), chủ tọa hỏi bị cáo Hạnh vì sao trong 2 tài khoản chỉ còn 2 triệu đồng nhưng lại báo cáo gửi liên bộ số dư còn 219 tỷ?. Bị cáo Hạnh cho biết 219 tỷ là sao kê và Bộ Tài chính viết số tiền này còn thiếu.

"Bộ Tài chính có yêu cầu công ty nộp lại số tiền này, nhưng điều này là bất khả kháng vì năm 2022 công ty không hoạt động được", bị cáo Hạnh trình bày.

Về việc khắc phục 219 tỷ đồng, bị cáo Hạnh nói có thể vì công ty còn có tài sản, cộng với tài sản của bị cáo hiện đang nhờ người khác đứng tên.

Về hành vi chiếm đoạt số tiền 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, bị cáo Hạnh nói việc làm của mình là sai trái và rất hối hận về điều này. Bị cáo mong được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả đã gây ra.

Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.