Như nguoiduatin.vn đã phản ánh, ngày 23/10 vừa qua gần trăm cháu nhỏ tại Trường mầm non Cao Xá 1, xã Cao Xá (Tân Yên, Bắc Giang) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Theo kết luận của bác sỹ Bùi Văn Mão - trưởng khoa nội Bệnh viện đa khoa huyện Tân Yên, nguyên nhân dẫn tới việc gần trăm cháu nhỏ ngộ độc tại trường mầm non Cao Xá 1 là do nhiễm vi khuẩn kiết lỵ Shigella xâm nhập vào đường tiêu hóa, thông qua việc ăn uống phải loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tích tụ lâu ngày gây nên.
Trách nhiệm thuộc về đơn vị cung cấp thực phẩm?
Điều tra rõ hơn về nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, dẫn tới tình trạng ngộ độc của các cháu nhỏ, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hiệp - Hiệu trưởng trường mầm non Cao Xá 1.
Hợp đồng cung ứng thực phẩm cho bếp ăn bán trú.
Bà Hiệp cho hay: “Nguồn thực phẩm được sử dụng trong nhà trường được cung cấp bởi các phụ huynh có con em đang theo học tại đây. Hai bên đều có những cam kết chặt chẽ và cụ thể trong thời gian hợp tác”.
Cũng tại buổi làm việc, bà Hiệp có cung cấp những giấy tờ, văn bản liên quan đến việc kiểm tra chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà trường. Đồng thời cho biết danh sách các đơn vị cung cấp thực phẩm và Hợp đồng mua bán, cung ứng thực phẩm cho bếp ăn bán trú.
Cụ thể, các đơn vị cung ứng thực phẩm cho Trường mầm non Cao Xá 1 gồm có: Đơn vị thứ nhất: Bà Nguyễn Thị Hà và ông Giáp Văn Thức, địa chỉ thôn Tiền, xã Cao Xá (Tân Yên); Đơn vị thứ hai: Ông Giáp Văn Khoa và bà Nguyễn Thị Quyên, địa chỉ phố Ngô Xá – TT Cao Thượng (Tân Yên); Đơn vị thứ ba: Ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Xiêm, địa chỉ thôn Tiền, xã Cao Xá (Tân Yên).
Nội dung các bản hợp đồng đều nêu ra những điều khoản rất rõ ràng liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của đôi bên. Đáng chú ý là tại các Điều khoản 3, Điều khoản 4, và Điều khoản 6 về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó nếu bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo khung hình phạt của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề ngộ độc thực phẩm.
Trách nhiệm của các bên liên quan được đề cập rõ trong hợp đồng
Chưa quy kết trách nhiệm, UBND huyện đã có báo cáo kết thúc vụ việc…
Tuy nhiên, tại các bản hợp đồng và giấy tờ chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, PV đều nhận thấy có sự mập mờ, thiếu thống nhất về nội dụng cũng như tính liên quan giữa các văn bản.
Tên ghi trên hợp đồng là 1 người, tên ghi trên giấy chứng nhận lại là người khác, hay trong hợp đồng thì địa chỉ ở một nơi nhưng giấy chứng nhận lại là một nơi khác… Hầu hết các giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm của các đơn vị kể trên đều do Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch UBND thị trấn ký, đóng dấu theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT, trong khi đó thẩm quyền xác nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Thông tư mới nhất (Thông tư 26/2012/TT-BYT) thì các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, không có thẩm quyền xác nhận.
Từ việc thiếu rõ ràng, mơ hồ như vậy, rất dễ dẫn tới tình trạng các đơn vị đùn đẩy lẩn trốn trách nhiệm khi có sai phạm của các bên liên quan.
Trong khi vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ, UBND huyện Tân Yên đã có báo cáo kết thúc vụ việc gửi các đơn vị có liên quan. Để tiếp tục thông tin và mở rộng điều tra, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Thủy- Phó phòng Y tế huyện Tân Yên.
Báo cáo kết thúc vụ việc của UBND huyện Tân Yên
Bà Thủy cho biết: “UBND huyện Tân Yên đã có báo cáo kết thúc vụ việc trên gửi các đơn vị liên quan rồi. Nguyên nhân chính thức của vụ ngộ độc trên là do vi khuẩn Shigella sonnei gây nên (kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), thực phẩm gây ngộ độc nghi ngờ là do chả cá pha thịt sốt cà chua”.
“Do phía nhà trường và cả đơn vị cung ứng không lưu mẫu thực phẩm cho nên không có thực phẩm để kiểm định, xét nghiệm. Các mẫu xét nghiệm đều được lấy từ chất nôn và phân của các cháu. Khi không tìm ra được nguyên nhân rõ ràng, cụ thể cho nên trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về người đứng đầu nhà trường . Nếu trách nhiệm thuộc về đơn vị cung ứng thì Phòng Y tế sẽ có chế tài xử phạt hành chính”.
Cũng theo bà Thủy: “Về vụ việc này, việc quy trách nhiệm và xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của UBND huyện Tân Yên. Phòng Y Tế huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả xét nghiệm để UBND huyện có hướng xử lý”.
Trong khi đó báo cáo kết thúc vụ việc của UBND huyện Tân Yên gửi các đơn vị liên quan lại không hề đề cập tới trách nhiệm, cũng như phương hướng xử lý vụ việc. Dư luận không khỏi nghi ngờ về sự đùn đẩy lẩn, trốn trách nhiệm của các đơn vị liên quan, cũng như có hay không những móc ngoặc, tiếp tay hợp thức hóa các văn bản giấy tờ của chính quyền địa phương trong vụ việc?