Bác sĩ chỉ hệ lụy khi lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe

Chủ nhật, 28/07/2024 08:00

Các bác sĩ chia sẻ, đã có không ít các ca ngộ độc rượu, trong đó nhiều người trẻ bị hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, suy thận cấp, hạ đường huyết, xuất huyết tiêu hóa...

Nhiều ca nhập viện do uống rượu

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), những năm qua bệnh viện tiếp nhận các ca ngộ độc rượu, trong đó nhiều người trẻ bị hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, suy thận cấp, hạ đường huyết, xuất huyết tiêu hóa, tiêu cơ vân...

Một bệnh nhân nam 30 tuổi, ở tỉnh Bắc Ninh, nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, nói ngọng, yếu tay... sau khi uống rượu liên hoan đầu năm mới. Kết quả xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não cả 2 bên.

Nguyên nhân do bệnh nhân uống quá nhiều rượu, nôn nhiều, dẫn đến mất nước, máu cô đặc và bị tắc mạch. Trường hợp này bị nhồi máu não do uống quá nhiều rượu, không phải tai biến mạch máu não thông thường. Rượu mà bệnh nhân uống là rượu bình thường, không phải là rượu chứa độc chất methanol.

Bác sĩ chỉ hệ lụy khi lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe- Ảnh 1.

Bệnh viện tiếp nhận các ca ngộ độc rượu.

Hay hồi tháng 2/2024, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.

Bệnh nhân đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc, vào viện trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Bệnh nhân thứ hai trước khi vào viện đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sĩ nghi ngộ độc rượu nên đã chuyển viện. Bệnh nhân thứ ba cũng bị biến chứng mù mắt do ngộ độc rượu.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, nhiều người chủ quan nghĩ rằng, uống rượu thật, rượu không bị pha trộn methanol… sẽ không sao. Tuy nhiên, ngay với cả rượu thông thường, nếu uống nhiều cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều trường hợp uống rượu mà không ăn, bỏ bữa, dẫn đến hạ đường huyết. Có những trường hợp được chuyển vào viện trong tình trạng đường máu về gần như bằng 0.

Khi uống nhiều rượu dễ dẫn tới tình trạng "no giả", tức là cảm giác bụng no, nhưng thực tế bụng vẫn rỗng, cơ thể không được nạp năng lượng. Sau khi uống rượu, không ít người tiếp tục bỏ bữa, đi ngủ luôn. Gia đình thấy người uống rượu say ngủ, thường không đánh thức, không gọi dậy ăn uống. Điều này, khiến chỉ số đường huyết của người bệnh giảm sâu, dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não.

Những hậu quả nghiêm trọng

Liên quan đến những tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người nếu lạm dụng, trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, rượu và bia được chuyển hóa ở gan và thải trừ qua thận. 

Lạm dụng rượu bia gây quá tải ở gan và thận khiến chức năng gan và thận suy giảm, các nhiệm vụ thông thường của gan và thận như điều hòa đường huyết, chuyển hóa mỡ, thải độc, lọc các chất độc, điều hòa nước và điện giải… đều bị ảnh hưởng.

“Lạm dụng rượu bia còn khiến hệ thần kinh bị kích thích, lâu ngày dẫn đến thoái hóa hệ thần kinh”, BS.Hoàng nói.

Bác sĩ chỉ hệ lụy khi lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe- Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng).

Theo bác sĩ, tình trạng lạm dụng rượu bia kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như: Suy giảm chức năng gan, xơ gan do rượu, ung thư gan; rối loạn chuyển hóa, trong đó dễ mắc nhất là rối loạn chuyển hóa mỡ và đường, tăng nguy cơ mắc tiểu đường, xơ vữa mạch máu. Từ đó, dẫn tới các bệnh tim mạch, thậm chí đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Rối loạn về tâm thần kinh, làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy của não bộ, loạn thần, thậm chí gây mất trí nhớ, tổn thương não vĩnh viễn và tử vong; rối loạn tiêu hóa, do làm giảm quá trình hấp thu thức ăn, suy dinh dưỡng, viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa, thậm chí gây ung thư (thực quản, dạ dày, đại tràng…)

Suy giảm khả năng miễn dịch, từ đó dễ mắc các bệnh thông thường, cơ thể mệt mỏi, rối loạn nội tiết, giảm ham muốn…

Bên cạnh đó, theo BS. Hoàng, nghiện rượu được xếp vào loại rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng những chất tác động tâm thần.

Nghiện rượu là một bệnh mãn tính rất dễ tái phát bao gồm những triệu chứng: Bệnh nhân thường xuyên sử dụng rượu, bia như một yếu tố không thể thiếu; bệnh nhân không kiểm soát được bản thân khi uống rượu/bia; khi không sử dụng rượu, bia, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý.

Phương pháp điều trị cai nghiện rượu, bia hiệu quả duy nhất là từ bỏ rượu hoặc chất uống có cồn một cách triệt để nhất. Phương pháp điều trị tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng chỉ khi người nghiện rượu chấp nhận điều trị mới có thể giúp họ thoát khỏi bệnh nghiện rượu, bia.

Tuy nhiên, việc ngưng rượu đột ngột lại gây ra hội chứng cai rượu với nhiều triệu chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng như: Run tay chân, đi đứng không vững; lo lắng, lú lẫn, hoang tưởng, áo giác; chán ăn, buồn nôn và nôn; vã mồ hôi, rối loạn điện giải, nhịp tim nhanh, HA tăng cao hoặc tụt; mệt mỏi, mất ngủ, co giật, động kinh.

Bác sĩ chỉ hệ lụy khi lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe- Ảnh 4.

Trước và trong khi uống rượu nên ăn kèm các món có nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết.

Để điều trị Hội chứng cai rượu, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, thậm chí phải dùng các thuốc hướng tâm thần trong các khoa điều trị tâm thần nội trú.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2022, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%).

Chi phí chi cho giải quyết các tác hại của rượu bia cũng đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế và ngân sách của nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của WHO năm 2018, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do rượu bia thường cao hơn so với chi phí trực tiếp.

Cũng theo các bác sĩ, để tránh tình trạng phải nhập viện, hay gặp các biến chứng nguy hiểm nêu ở trên, người dân cần chủ động hạn chế sử dụng rượu, bia.

Trường hợp uống rượu, bia nên lựa chọn các loại rõ nguồn gốc. Trước và trong khi uống rượu nên ăn kèm các món có nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết.

Trường hợp say rượu, nếu ngủ quên, người thân cần chủ động đánh thức, cho ăn cháo loãng, uống nước trái cây... để tránh bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh, hoặc không thể ăn uống, hay ăn vào là nôn cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Uống rượu thế nào để đảm bảo sức khỏe?

BS.Hoàng cũng khuyến cáo với người dưới 18 tuổi và phụ nữ có thai, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia dù với lượng rất ít. Phụ nữ nên uống ít hơn đàn ông, do cơ địa nữ giới hấp thu nhanh và thải trừ rượu, bia chậm hơn nam giới.

WHO đưa ra khái niệm là đơn vị cồn, tương đương với 10 grams ethanol nguyên chất. Để dễ hình dung thì 1 đơn vị cồn tương ứng với 1 ly nhỏ 25ml rượu mạnh 40 độ, hoặc 1 ly (75ml) rượu vang 14-15 độ, hoặc một cốc 200ml (khoảng 2/3 lon 330ml) bia 5 độ.

Để đảm bảo sức khỏe, chỉ nên uống tối đa 3 ngày mỗi tuần (4 ngày còn lại không uống), và tổng lượng mỗi tuần không quá 6 đơn vị cồn với đàn ông, không quá 4 đơn vị cồn với phụ nữ.

Đón đọc bài 3: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm tình trạng uống rượu, bia quá mức

Hoàng Bích - Kim Thoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.