Theo y học cổ truyền phương Đông, bàn chân có mối liên hệ trực tiếp, chặt chẽ với nhiều tạng phủ quan trọng trong cơ thể thông qua các đường kinh, đường lạc phân bố dày đặc ở bàn chân. Khi các cơ quan này bị tổn thương, bàn chân sẽ có những biểu hiện tương ứng ra bên ngoài. Đặc biệt, nếu phát hiện bàn chân có một trong những dấu hiệu khác lạ dưới đây, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để nhận biết gan có vấn đề hay không.
Bàn chân có màu vàng bất thường
Một trong những dấu hiệu cảnh báo điển hình của bệnh gan là lòng trắng mắt và da nhiều vùng trên cơ thể, trong đó có da chân chuyển sang màu vàng tái. Nguyên nhân là do chức năng gan bị suy giảm, gây ảnh hưởng tới sự trao đổi chất và bài tiết mật bên trong, dẫn đến sự gia tăng đột ngột hàm lượng bilirubin trong máu, gây ra tình trạng vàng da, vàng mắt.
Sưng phù chân
Nếu thấy chân bước bất thường, bị sưng phù mọng nước, có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về thận. Thận chịu trách nhiệm điều phối "nước" trong cơ thể kèm chức năng giải độc, nên nếu thận có vấn đề sẽ dẫn đến phù chân. Bên cạnh đó, bàn chân sưng cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh xơ gan. Việc chức năng gan suy giảm kéo theo các hormone và chất điều tiết dịch bị biến đổi. Điều này làm tăng áp lực trong các mạch máu lớn khiến máu bị mang từ lá lách, ruột chuyển đột ngột sang tuyến tụy và gan, do đó xảy ra hiện tượng phù chân và cổ trướng ở bụng. Đặc biệt, triệu chứng phù chân thường gặp phải khi người bệnh xơ gan đang ở những giai đoạn muộn vì vậy nếu thấy bàn chân có hiện tượng phù nề rõ ràng, dần trở nên nặng hơn, bạn cần hết sức cảnh giác.
Xuất hiện mảng đen trên móng chân
Đào thải độc tố là chức năng chính yếu nhất của gan. Gan được xem như lá chắn giúp ngăn chặn các chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính, thải trừ một số chất cặn bã do chuyển hóa chất trong cơ thể tạo nên.
Gan thực hiện chức năng chống độc bằng 2 cách. Thứ nhất là bằng các phản ứng hóa học, đây là cơ chế chủ yếu biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn rồi đào thải qua đường thận. Cách thứ 2 là cố định và thải trừ một số kim loại nặng, các chất màu đến gan sẽ bị giữ lại không biến đổi gì và đào thải ra ngoài qua đường mật. Khi gan có vấn đề, độc tố sẽ tăng lên, tuần hoàn máu không bình thường khiến bàn chân lắng đọng độc tố. Biểu hiện là móng chân có những đường dọc hoặc mảng đen.
Gót chân khô nứt
Hiện tượng khô nứt gót chân thường liên quan đến thời tiết hoặc nhiễm nấm, nhưng cũng có một số trường hợp do bệnh gan. Gan hoạt động kém gây ảnh hưởng đến quá trình bài tiết và chuyển hóa hormone của cơ thể dẫn đến da chân bị khô, lòng bàn chân nứt nẻ, bong tróc.
Lòng bàn chân xuất hiện nhiều mạch máu
Nếu chức năng gan bị suy giảm, quá trình lưu thông máu cũng gặp vấn đề. Vì lòng bàn chân nằm ở phía dưới của cơ thể, là nơi xa trái tim nhất nên máu chảy ở đây cũng sẽ trở nên chậm hơn và ít hơn, dẫn đến sự gia tăng mạch máu của bàn chân. Nếu xuất hiện tình trạng này, bạn nên đi khám sớm nhất có thể để kịp thời phát hiện các vấn đề về gan và có hướng điều trị thích hợp.
Ngoài ra, nữ giới nếu thấy nhiều nếp nhăn sâu ở 2 bên ngón chân hoặc có cảm giác như châm kim ở lòng bàn chân thì cần chú ý vì đó có thể là biểu hiện của các bệnh phụ khoa, như rối loạn nội tiết, kinh nguyệt không đều…
Minh Hoa (t/h)