Lời toà soạn: Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm qua, việc áp dụng thuế đối với các giao dịch trên các sàn TMĐT đã trở thành một chủ đề quan trọng không chỉ trong công tác quản lý Nhà nước mà còn trong việc định hướng phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Những thay đổi trong chính sách thuế đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và các nền tảng giao dịch trực tuyến.
Trên cơ sở đó, Tạp chí Điện tử Người Đưa Tin thực hiện tuyến bài "Bán hàng trên sàn TMĐT" nhằm điểm lại những kết quả đạt được từ việc áp thuế đối với các sàn TMĐT, đồng thời nhìn nhận những thách thức mà các doanh nghiệp và cơ quan quản lý gặp phải trong quá trình thực hiện và gợi mở những đề xuất về việc điều chỉnh chính sách thuế sao cho hợp lý, giúp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Với sự phát triển của internet và công nghệ, việc tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT) ngày nay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các nền tảng bán hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, hay các mạng xã hội như Facebook, Instagram đã trở thành những kênh kết nối giữa người bán và người mua.
Hàng nghìn cá nhân và hộ kinh doanh đã tận dụng cơ hội này để khởi nghiệp, mở rộng quy mô kinh doanh mà không cần phải đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng hay mặt bằng kinh doanh.
Không ít người bán hàng qua các nền tảng TMĐT đã có thể xây dựng thương hiệu riêng, tạo ra thu nhập ổn định, thậm chí đạt mức doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, số thu thuế từ hoạt động TMĐT từ năm 2016 đều tăng hàng năm, duy chỉ năm 2020 có giảm xuống do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đỉnh điểm là năm 2022, số thu nhảy vọt từ mức 1.591 tỷ đồng (năm 2021) lên tới 83.000 tỷ đồng. Đến năm 2023, số thu thuế từ hoạt động TMĐT tiếp tục tăng lên đạt mức 97.000 tỷ đồng với tốc độ tăng 16,87%.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT đạt 94.600 tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023.
Mặc dù có doanh thu rất lớn từ các giao dịch bán hàng qua các sàn TMĐT, tuy nhiên nhiều người kinh doanh online lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp thuế đúng hạn và đầy đủ.
Khi nỗi lo thuế vẫn đeo bám
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Nguyễn Kiều Linh là một chủ shop chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và các sản phẩm gia dụng, chủ yếu bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki từ năm 2020.
Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, chị đã tham gia bán hàng trên nền tảng TikTok Shop và nhờ việc đẩy mạnh tiếp thị liên kết từ KOC, doanh thu của cửa hàng này đã đạt đến con số hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.
Dù doanh thu hàng tháng của chị Linh lớn, nhưng lại gặp khó khăn trong việc nộp thuế đúng hạn và đầy đủ cho cơ quan thuế.
Đơn cử như việc cửa hàng không thể tự động tính toán và phân loại chính xác các khoản thuế cần nộp cho từng sản phẩm hoặc từng giao dịch. Do đó, việc kê khai thuế gặp khó khăn, dẫn đến việc nộp thuế sai lệch hoặc bị chậm trễ.
Song, chị cũng phải đối mặt với việc không thể đối chiếu các số liệu thuế chính xác với các số liệu từ các nền tảng TMĐT, do còn xảy ra những đơn hàng bị hoàn trả trở lại. Điều này dễ dẫn đến việc bị truy thu thuế với mức thuế cao hơn do thiếu sót trong báo cáo ban đầu.
Do không nắm rõ các quy định thuế cụ thể, nên chị Linh luôn lo ngại bị phạt vì kê khai sai hoặc không nộp thuế đầy đủ. Chính vì vậy, chị bị rơi vào tình trạng trì hoãn nộp thuế và thiếu minh bạch trong việc kê khai thuế.
Cùng cảnh ngộ, chủ doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thời trang, bao gồm quần áo, phụ kiện và giày dép tên N.C cũng gặp khó khăn trong việc nộp thuế.
Theo chủ doanh nghiệp, các sản phẩm không chỉ cho khách hàng trong nước mà còn cho khách hàng quốc tế thông qua Lazada và các sàn TMĐT khác, việc này gây khó khăn trong việc xác định mức thuế VAT phải nộp, vì quy định về thuế giữa các quốc gia có sự khác biệt.
"Sàn Lazada cung cấp báo cáo chi tiết về các giao dịch, nhưng thông tin này lại không hoàn toàn đầy đủ và khó đối chiếu. Báo cáo từ các sàn TMĐT chủ yếu chỉ cung cấp tổng doanh thu, mà không phân biệt rõ doanh thu từ các nguồn khác nhau, chẳng hạn như hàng bán cho khách hàng trong nước, hàng bán cho khách hàng nước ngoài, hoặc hàng được bán qua các chương trình khuyến mãi đặc biệt", chủ doanh nghiệp N.C chia sẻ.
Một vấn đề lớn khác là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống thuế giữa các sàn TMĐT và cơ quan thuế. Các sàn thương mại điện tử thường không cung cấp đầy đủ thông tin về doanh thu của từng người bán hoặc từng sản phẩm, đặc biệt là trong các giao dịch xuyên biên giới. Điều này khiến cho việc đối chiếu số liệu và nộp thuế chính xác trở nên rất khó khăn.
Chính từ những vấn đề trên đã dẫn đến việc không ít người kinh doanh online bị sai lệch số thuế, hoặc làm chậm trễ trong việc phát triển kinh doanh.
Nhận "trái đắng" vì lách luật
Bên cạnh những khó khăn trong việc chủ động kê khai và nộp thuế, thì cũng có những người cố tình trốn thuế. Mỗi ngày, hàng triệu giao dịch được thực hiện trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, việc thu thuế từ những giao dịch này không phải lúc nào cũng đơn giản. Điều này tạo ra "khoảng trống" khiến một số nhà bán lẻ không đóng thuế đúng cách, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Qua thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế, Tổng cục Thuế cho biết lũy kế trong 3 năm (2021-2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT đưa vào diện rà soát là 31.570 trường hợp và đã truy thu thuế, xử lý vi phạm là gần 22.160 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917 tỷ đồng.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, có tới 83.927 tổ chức, cá nhân trong diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế. Trong đó, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 30.481 trường hợp, truy thu và phạt gần 1.305 tỷ đồng.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, công an Thủ đô khởi tố 2 vụ án liên quan đến trốn thuế qua TMĐT.
Gần nhất vào ngày 1/11, cơ quan Công an Thành phố Hà Nội cùng với Cục Thuế Thành phố Hà Nội phát hiện Đỗ Mạnh Cường trú tại quận Long Biên đã đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khác nhau (Shopee, Tiki, Lazada…) để kinh doanh điện thoại, phụ kiện với tư cách cá nhân.
Từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của Cường đã phát sinh doanh thu rất lớn. Căn cứ tài liệu thu thập được, bước đầu cơ quan điều tra xác định là hơn 160 tỷ đồng, nhưng Cường đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán, dẫn đến việc không kê khai, không nộp đồng thuế nào.
Vào đầu tháng 10, công an Thành phố Hà Nội cũng phát hiện Công ty TNHH dược phẩm công nghệ cao NAC tại quận Bắc Từ Liêm sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân thay cho tài khoản công ty để trực tiếp nhận tiền thanh toán sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sử dụng 2 sổ kế toán để che giấu doanh thu thực tế. Qua tài liệu tạm tính năm 2023 doanh thu thực tế hơn 51 tỷ đồng nhưng doanh thu báo cáo thuế chỉ hơn 800 triệu đồng.
Điểm chung của 2 vụ án này là dù đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn nhưng vẫn cố tình không chấp hành nghĩa vụ thuế. Thậm chí còn có các hành vi xóa dữ liệu, che giấu hành vi phạm tội.
Điều này tạo ra sự mất cân bằng trong việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chính thức và những người kinh doanh không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế.
Hành vi ngắn hạn, tác hại lâu dài
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách TikTok Việt Nam cho biết, ban đầu TikTok được xây dựng với mục đích đơn giản, nhưng hiện nay cùng với độ phổ biến cao, có rất nhiều vấn đề phức tạp đang được đặt ra cho TikTok Shop.
Mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết đang rất phổ biến trên TikTok Shop. Tuy nhiên, các nhà bán hàng hay các hoạt động liên quan đến bán hàng như KOLs, KOC không phải ai cũng hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ thuế.
Trong khi đó, tất cả các bên liên quan đến hoạt động bán hàng đều phải có trách nhiệm kê khai và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thuế.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đánh giá, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu lên tới 100 tỷ đồng, 150 tỷ đồng mỗi phiên.
"Thế nhưng hiện nay có nhiều người kinh doanh do chưa nắm đầy đủ quy định pháp luật liên quan đến nghĩa vụ thuế, nên đã "quên" hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước. Có không ít người có doanh thu từ bán hàng TMĐT hàng tỷ đồng, nhưng lại nghĩ đến việc không nộp thuế", bà Cúc cho hay.
Theo bà Cúc, các doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT cần cân nhắc giữa cái lợi của việc kê khai, nộp thuế đầy đủ với việc trốn thuế.
Nếu trốn thuế, người kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, trong đó có cả việc bị sàn TMĐT xóa tài khoản, ảnh hưởng tới thu nhập của cá nhân và sự phát triển chung của ngành kinh doanh TMĐT.
Trong khi đó, việc nộp thuế sẽ đóng góp phần tăng thu cho NSNN, từ đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
"Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Đồng thời, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng", Chủ tịch VTCA nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam, trường hợp các tổ chức/cá nhân đã kinh doanh thương mại điện tử thời gian trước mà chưa nộp thuế, trong khi các cơ quan thuế chưa phát hiện truy thu nên tự giác liên hệ với chi cục thuế nơi mình cư trú (tạm trú, thường trú) để nộp thuế và tự tính tiền chậm nộp 0,03% tính trên số tiền thuế phải nộp và số ngày chậm nộp.
Trong trường hợp cơ quan thuế phát hiện các nhà bán hàng không kê khai thuế, số tiền thuế lớn, ngoài xử lý hành vi vi phạm, truy thu, phạt tiền thuế, các cá nhân/tổ chức còn có nguy bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.