Sắp tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ đối thoại với giáo viên cả nước
Theo CAND, ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn sẽ có chương trình đối thoại với các giáo viên trên cả nước theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu ngành giáo dục đối thoại với giáo viên liên quan đến những vấn đề nóng của ngành.
Cụ thể, chương trình đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với giáo viên trên cả nước sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành.
Qua thống kê, đã có hơn 6.000 ý kiến được gửi về từ hai nhóm đối tượng: cán bộ, giáo viên bậc phổ thông và cán bộ, giảng viên bậc đại học.
Trong đó, giáo dục phổ thông tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất liên quan đến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…). Thứ hai, liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…). Thứ ba, liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Đặc biệt, đối với khối giáo dục đại học, có khoảng hơn 200 ý kiến của các giảng viên, tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các nhà trường; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
Chương trình đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với giáo viên trên cả nước theo kế hoạch, buổi sáng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ đối thoại với giáo viên bậc mầm non, phổ thông. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng đối thoại với giảng viên đại học.
Năm nay, chương trình đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với giáo viên trên cả nước là dịp để người đứng đầu ngành giáo dục thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trên cả nước trước thềm năm học mới; từ đó có định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục thực hiện thành công trong đổi mới giáo dục và đào tạo.
Cảnh báo miền Bắc sắp đón đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 16 - 20/8, miền Bắc có khả năng có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; miền Trung nắng nóng gay gắt.
Đêm qua và sáng sớm nay 11/8, ở khu vực Bắc bộ có mưa, mưa vừa và giông, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 10/8 đến 8 giờ ngày 11/8 có nơi trên 50 mm như: Pa Ủ (Lai Châu) 84,6 mm; Hang Chú (Sơn La) 74,4 mm; Thạch Lâm (Cao Bằng) 70,2 mm; Cẩm Nhân (Yên Bái) 62 mm; Hạ Long (Quảng Ninh) 58,6 mm; Phú Cường (Thái Nguyên) 50,3 mm...
Cụ thể, ngày và đêm 11/8, ở Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa và giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20 - 40 mm, có nơi trên 100 mm.
Dự báo khu vực Bắc bộ từ khoảng ngày 16 - 20/8, khả năng có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa giông, có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, chiều tối và đêm các ngày 12 - 13/8 có mưa rào và giông rải rác, có nơi có mưa vừa, mưa to. Các nơi khác ở Trung bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.
Khu vực Tây nguyên từ ngày 12 - 20/8, chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có giông. Các tỉnh Nam bộ chiều tối và tối có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa giông, có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cơ thể người đàn ông tím đen sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm
Theo báo VOV, người đàn ông nguy kịch vì giết mổ và ăn thịt lợn ốm vừa nhập Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nam bệnh nhân 62 tuổi đến từ Lai Châu bị sốt sau khi ăn thịt lợn bệnh.
Thông tin ban đầu, cách đây 1 tuần bệnh nhân có giết mổ và ăn thịt lợn bị bệnh. Sau ăn bệnh nhân bị sốt cao sốt cao, rét run, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, được người thân mua thuốc điều trị tại nhà.
Hai ngày sau, bệnh nhân xuất hiện đi ngoài phân đen kèm xuất huyết hoại tử toàn thân, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi liên cầu lợn, bệnh nhân có co giật toàn thân, được đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch...
Điều trị một ngày tình trạng bệnh không cải thiện bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn – nhiễm khuẩn huyết – viêm màng não TD do S.suis (liên cầu lợn).
Hiện tại bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng (suy thận cấp, suy gan), an thần, thở máy.
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ do đó các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trúc Chi (t/h)