Huy động hơn 100.000 người khắc phục hậu quả thiên tai tại Yên Bái
Trưa 12/9, tại Yên Bái, sau khi kiểm tra tình hình thực tế, thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Sau khi kiểm tra tình hình, động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại phường Hồng Hà, Thủ tướng đã tới thị sát khu vực sạt lở làm 2 người mất tích tại phường Nguyễn Thái Học, Tp.Yên Bái.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi bà con đang cùng lực lượng vũ trang, các lực lượng tình nguyện dọn dẹp đường phố đang còn ngập bùn đất.
Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của bà con, Thủ tướng hỏi thăm, biểu dương tinh thần tích cực của các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ đang hỗ trợ nhân dân dọn dẹp bùn đất. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần huy động toàn lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Gặp một số cháu học sinh đang tình nguyện giúp đỡ các gia đình, khu phố dọn dẹp, Thủ tướng biểu dương tinh thần nhiệt tình của các cháu, mong các cháu vận động các bạn tích cực tham gia hỗ trợ; đề nghị bà con nhân dân tích cực vào cuộc với tinh thần "ai có công giúp công, ai có của giúp của".
Thăm các trường mầm non, trung học phổ thông, Thủ tướng ân cần hỏi thăm các cô giáo đang dọn dẹp bùn đất; yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ lực lượng, cố gắng cho các cháu đi học trở lại.
Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Những thay đổi phù hợp
Theo Đại Đoàn Kết, góp ý dự thảo Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều ý kiến ủng hộ cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT mới, buộc học sinh phải chú trọng học từ lớp 10.
Theo dự thảo, điểm xét tốt nghiệp bao gồm điểm trung bình lớp 10 (hệ số 1) + điểm trung bình lớp 11 (hệ số 2) + điểm trung bình lớp 12 (hệ số 3). Ông Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, đây là quy định rất đúng đắn. Việc tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả 3 năm học cấp THPT lên 50%, thay cho tỉ lệ 30% như quy định hiện hành và chỉ sử dụng kết quả lớp 12, là cần thiết và phù hợp nhằm đánh giá toàn diện và khách quan. Sự điều chỉnh này cũng mang lại sự yên tâm hơn cho học sinh khi được đánh giá cả quá trình học tập, tránh việc chỉ dồn sức vào lớp 12 với nhiều áp lực
Trên thực tế, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh nên trong kiểm tra, đánh giá luôn chú trọng đến sự tiến bộ của học sinh. Bên cạnh đó, học tập là một quá trình nên việc học sinh được xét công nhận tốt nghiệp cần phải thể hiện cả một quá trình học là 3 năm THPT, chứ không phải chỉ qua một bài thi của một kì thi.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá học sinh. Việc đánh giá quá trình học và đánh giá định kỳ được nhấn mạnh khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Trong quá trình dạy học, giáo viên đã đánh giá được sự tiến bộ của học sinh thông qua tiến trình học tập của học sinh. Việc đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích của học sinh thể hiện qua các bài thi, bài kiểm tra. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới cũng nên được điều chỉnh tỉ lệ sử dụng kết quả học tập của 3 năm học bậc THPT, không để học sinh lơ là trong học tập bất cứ thời điểm nào, từ đó phát triển toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân trong tương lai" – ông Lâm bày tỏ.
Thực tế ghi nhận tại nhiều trường phổ thông, việc áp dụng tỉ lệ 30 - 70 % khi xét tốt nghiệp hiện nay bộc lộ một số bất cập khi mục tiêu cuối cùng của học sinh là phục vụ cho một kỳ thi thay vì tập trung phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất tại trường học. Điều này dẫn đến có những học sinh chỉ chú trọng đến những môn sẽ thi đại học(ĐH) học lệch…
Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT - theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH xét tuyển. Vì vậy, kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2024, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, cao hơn năm trước 47.330 thí sinh. Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978, tăng 9.137 so với năm 2023. Tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 99,4% cao hơn so với kết quả 98,88% năm 2023. Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.
Với việc nâng tỉ lệ điểm học bạ lên từ 30 lên 50% so với hiện nay, nhiều chuyên gia kỳ vọng đề thi tốt nghiệp của các môn học có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo cung cấp dữ liệu tin cậy hơn, chất lượng hơn cho công tác tuyển sinh ĐH. Những năm gần đây, tỉ lệ điểm thi cao, đặc biệt ở các môn thuộc tổ hợp xã hội khiến nhiều người đặt câu hỏi về độ khó của đề thi đã đảm bảo để các trường sử dụng để xét tuyển vào ĐH hay không vì nhìn đâu cũng thấy cao ngất ngưởng.
Với nhiều phương án xét tuyển sớm hiện nay, việc vào ĐH của nhiều thí sinh giảm hẳn áp lực. Tuy nhiên, một số em lại xác định thi tốt nghiệp đạt yêu cầu là đã đỗ ĐH nên chủ quan trong việc học. Điều này Bộ GD&ĐT đã cảnh báo và thực tiễn cũng đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi thí sinh rớt ĐH, dù đã trúng tuyển theo phương án xét tuyển sớm vì sau đó trượt tốt nghiệp THPT. Đây là bài học cho tất cả thí sinh không chỉ trong mùa tuyển sinh 2025 mà cả những năm sau này.
Người dân vùng ngập lụt nên làm gì sau khi nước rút?
Theo VTC News, hiện tại, nước lũ tại một số tỉnh thành phía Bắc có dấu hiệu rút bớt. Khi đó, có nhiều việc cần làm để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh bệnh tật do ô nhiễm, trở lại cuộc sống bình thường.
Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tài sản của nhân dân sau thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân nên thực hiện các hướng dẫn sau:
1. Chỉ được di chuyển từ nơi sơ tán trở về nhà khi có lệnh của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cứu hộ cứu nạn.
2. Kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị điện trước khi sử dụng đề phòng tai nạn, điện giật.
3. Khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước, thông tin.
4. Tham gia cùng chính quyền dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở hạ tầng, dập dịch bệnh và xử lý môi trường.
5. Vệ sinh nhà cửa, vật dụng và môi trường xung quanh nơi ở, khu vực công cộng.
6. Đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh sau lũ.
Sau lũ, người dân cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... bằng các biện pháp sau:
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Khử trùng nước sử dụng cho uống và sinh hoạt, bảo đảm dùng nước sạch trong ăn uống.
- Làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút.
- Ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
- Nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của lực lượng chức năng (có thể dùng vôi bột).
- Phun hóa chất diệt côn trùng, tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải đựng nước, hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Chú ý mắc màn khi đi ngủ.
- Kịp thời phát hiện và dập tắt các bệnh truyền nhiễm. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Trúc Chi (t/h)