Tình hình sức khỏe của bé gái 2 tuổi bị bạo hành ở Đà Lạt
Chiều 18/7, một cán bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng chia sẻ với Dân Trí về tình hình sức khỏe của cháu C.P.L (2 tuổi), nạn nhân bị 2 bảo mẫu hành hạ dẫn đến chấn thương sọ não, tụ máu não, dập phổi.
Theo cán bộ này, sau 2 ngày phẫu thuật lấy cục máu đông, tình trạng sức khỏe của cháu bé đang tiến triển tốt, dấu hiệu sinh tồn đã ổn định. Bé vẫn đang được thở máy trong phòng hồi sức nhi, theo dõi, chăm sóc đặc biệt và được truyền tĩnh mạch nuôi dưỡng.
Trước đó, ngày 16/7, bé gái được bảo mẫu đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy trên người bé có nhiều vết bầm tím từ đầu đến chân, nghi tình trạng cháu bé không phải do bị té ngã mà có dấu hiệu bị bạo hành nên trình báo cơ quan công an.
Đến ngày 18/7, Công an Tp.Đà Lạt đã khởi tố, bắt tạm giam Vương Ngọc Thảo Vy (27 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi, em chồng Vy, cùng trú tại TP Đà Lạt) - bảo mẫu của cháu bé, để điều tra, làm rõ hành vi hành hạ người khác.
Làm việc với cơ quan công an, Hằng và Vy cho biết nhiều lần đánh vào người cháu bé. Theo lời khai ban đầu, do cháu bé ít tiếp xúc, ít nói chuyện với mọi người, sợ đến chỗ đông người, ban đêm hay giật mình, la hét… nên Vy và Hằng nhiều lần dùng tay đánh vào người cháu.
Ngày 8/7, Vy đạp vào người khiến cháu bé té ngã. Đến ngày 11/7, cháu bé tự đi vào nhà vệ sinh sau đó té ngã ngửa và đập đầu xuống nền nhà. Tối 14/7, trong lúc ngủ, cháu bé có dùng tay tự cào cấu vào mặt, chân tay của mình, cắn vào miệng của mình và đập đầu vào tường nhiều lần.
Ngày 16/7, sau khi cho cháu bé ăn trưa, Hằng thấy cháu ói, môi tím tái nên tự hô hấp nhân tạo cho cháu. Sau đó, Hằng và Vy gọi điện cho một người đàn ông đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Lâm Đồng cấp cứu. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Hành khách vô tư mang dao lên máy bay gọt trái cây
Chiều 18/7, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh một người cầm dao gọt trái cây trên khoang hành khách của một chuyến bay.
Hình ảnh nhanh chóng lan truyền và khiến dân mạng bàn tán xôn xao. Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao hành khách trên lại có thể mang theo dao lên máy bay vì khi qua khu vực soi chiếu an ninh, những vật sắc nhọn, kim loại đều bị bỏ lại.
Theo quy định, dao găm, kiếm, gươm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung tên, nỏ... được xếp vào danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm mang theo người; hành lý xách tay để bảo đảm an toàn, an ninh hàng không.
Theo xác minh của Tiền Phong, vụ việc xảy ra trên chuyến bay VN208 của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM) đi Nội Bài (Hà Nội) lúc 8h sáng ngày 18/7.
Thời điểm này, tiếp viên hàng không phát hiện hai hành khách lớn tuổi ngồi ghế ở vị trí giữa và gần cửa sổ đang dùng dao (loại nhỏ) gọt trái cây. Tiếp viên của chuyến bay đã nhanh chóng thu giữ dao, nhắc nhở và lập biên bản vụ việc. Vụ việc đã được VNA trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý.
Khu trung tâm Tp.HCM sẽ mở rộng phố đi bộ ở 22 tuyến đường
Tuổi Trẻ Online đưa tin, Sở Giao thông vận tải Tp.HCM vừa gửi UBND thành phố tờ trình đề án phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố. Theo đó, đề án xây dựng lộ trình mở các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố vào các ngày cuối tuần từ 2022-2025 theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2022-2023, phố đi bộ được mở ở vòng xoay Công trường Quốc tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Các tuyến nêu trên sẽ cấm các loại xe qua lại trong thời gian tổ chức phố đi bộ. Đối với đường Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang: ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe đi lại.
Giai đoạn 2 từ năm 2023-2024, thành phố mở rộng phạm vi phố đi bộ vào ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).
Các tuyến như đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh) sẽ ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại.
Đến giai đoạn 3 từ 2024-2025, mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần gồm: đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.
Đề án cũng xây dựng 5 tiêu chí để xem xét, quyết định triển khai khi có đề xuất mở phố đi bộ trong thời gian tới. Các tiêu chí này gồm tiêu chí 1: an toàn, an ninh; tiêu chí 2: tính hấp dẫn; tiêu chí 3: mức độ tiếp cận, nhu cầu; tiêu chí 4: tính kết nối và tiêu chí cuối cùng là sự khảo sát sự ủng hộ của cộng đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, việc nghiên cứu đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố là rất cần thiết nhằm nghiên cứu toàn diện về các tiêu chí, thiết kế, kế hoạch các giai đoạn thực hiện để có lộ trình triển khai các tuyến phố đi bộ chất lượng. Mở rộng tuyến phố đi bộ cũng hướng tới mục tiêu lâu dài của thành phố là giảm lượng xe ôtô đi vào khu trung tâm, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân. Đồng thời, góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu vực trung tâm nơi - có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc...
Minh Hoa (t/h)