Bộ GD&ĐT đề nghị kiểm soát chặt việc thực hiện ATTP trong các bếp ăn bán trú
Theo báo Hà Nội mới, ngày 21/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Các địa phương cần nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Các đơn vị cần tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học; lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục - y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Đề xuất hơn 30.000 tỷ đồng nâng cấp sân bay Đà Nẵng
Theo báo Lao Động, UBND Tp.Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị thẩm định, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tổng vốn cho việc nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 30.999 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng 3 giai đoạn, chi phí quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, dự phòng.
Nguồn vốn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như vốn ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vay… trong đó vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm tỉ trọng chính.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là sân bay cấp 4E (theo quy định của ICAO) và sân bay quân sự cấp 1.
Sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050. Sản lượng vận chuyển hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 200.000 tấn/năm với 92 vị trí sân đỗ máy bay.
Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, UBND Tp.Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía đông đạt 73 vị trí và giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng mới sân đỗ phía tây với 19 vị trí đỗ.
Về nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, UBND TP Nẵng đề xuất mở rộng nhà ga T1 về phía đông nam sân bay; giữ nguyên nhà ga T2 hiện hữu khai thác quốc tế (2 nhà ga sẽ được kết nối với nhau bởi cầu nối dài 170m).
Thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía đông nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475m2, 2 cao trình và cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế.
Trong giai đoạn 2021-2022, UBND Tp.Đà Nẵng kiến nghị xây dựng nhà ga hàng hóa phía đông; thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa phía tây kết hợp với khu logistics hàng không.
Bé 4 tuổi bị thanh sắt dài 20 cm đâm xuyên miệng
Trao đổi với Zing, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết đơn vị vừa phẫu thuật lấy thanh sắt dài khoảng 20 cm đâm và mắc kẹt trong khoang miệng cho một bệnh nhi 4 tuổi trên địa bàn.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 20/11, bé gái 4 tuổi ở bản Mường Lống 1 (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn), trong lúc vui đùa không may bị thanh sắt dài khoảng 20 cm đâm vào khoang miệng.
Nạn nhân sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn trong tình trạng thanh sắt đang đâm xuyên miệng, chảy nhiều máu.
"Dị vật bị kẹt cứng, vùng khoang miệng có nhiều mạch máu, nguy cơ nhiễm trùng cao nên quá trình phẫu thuật đòi hỏi rất tỉ mỉ. Kíp mổ phải cố định miệng, dùng dao mở rộng vết thương để lấy thanh sắt và khâu lại vết thương", bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Ngoại liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, cho hay. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, được bác sĩ theo dõi, chờ ngày xuất viện.
Minh Hoa (t/h)