Bản tin 23/8:Đề xuất dùng xe điện cho tuyến BRT đầu tiên của Tp.HCM; Hà Nội yêu cầu giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới của SARS-CoV-2

Bản tin 23/8:Đề xuất dùng xe điện cho tuyến BRT đầu tiên của Tp.HCM; Hà Nội yêu cầu giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới của SARS-CoV-2

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 23/08/2022 07:00

Đề xuất dùng xe điện cho tuyến BRT đầu tiên của Tp.HCM; Hà Nội yêu cầu giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới của virus SARS-CoV-2;... là những tin nổi bật.

Đề xuất dùng xe buýt điện cho tuyến BRT đầu tiên của Tp.HCM

Theo báo Người Lao Động, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP đề xuất lựa chọn phương tiện cho dự án Phát triển giao thông xanh Tp. HCM

Trước đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM (gọi tắt Ban Giao thông) đã kiến nghị Sở GTVT xem xét báo cáo UBND TP cho phép sử dụng xe buýt điện thay thế cho xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG (Compressed Natural Gas - khí nén thiên nhiên) cho tuyến BRT như dự kiến trước đó.

Về đề xuất này, Sở GTVT nhận định là hợp lý và lưu ý các vấn đề liên quan trạm sạc, định mức trợ giá cũng như thiết kế kỹ thuật của xe.

Sở GTVT cho rằng xe chạy bằng điện phù hợp với mục tiêu và lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Đồng thời, Bộ GTVT cũng định hướng phát triển, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe điện trong giai đoạn 2025-2030. Ngoài ra, theo Sở GTVT, việc sử dụng xe buýt điện cho tuyến xe buýt nhanh phù hợp định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng xanh trên địa bàn Tp.HCM.

Tuy nhiên, để tuyến xe buýt nhanh chạy bằng điện đầu tiên tại Tp.HCM vận hành ổn định, dễ dàng chọn nhà thầu, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo Ban Giao thông khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn và các nhà sản xuất xe buýt điện trong nước nghiên cứu, rà soát các thông số thiết kế cho xe phù hợp với thực tiễn, hạn chế các yêu cầu kỹ thuật quá đặc thù ảnh hưởng tính khả thi việc cung cấp xe.

Đồng thời, Sở GTVT và Ban Giao thông khẩn trương xây dựng định mức và đơn giá cho xe buýt điện. Trường hợp chưa xây dựng xong định mức và đơn giá, kiến nghị thành phố xin cơ chế đặc thù của Chính phủ. Trường hợp việc lựa chọn đơn vị thầu tuyến khó khăn, căn cứ vào tình hình thực tế, 2 đơn vị sẽ đề xuất UBND TP có giải pháp thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch khác.

Dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM (BRT số 1) có lộ trình dài 26km, chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ kết nối vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh) đến cầu Rạch Chiếc (Tp.Thủ Đức). Dự án được UBND TP phê duyệt dự án vào tháng 1/2015, dự kiến đầu tư 27 xe sử dụng nhiên liệu CNG ở giai đoạn đầu.

Đến tháng 1/2022, Ban thường vụ Thành ủy TP kết luận điều chỉnh một số nội dung dự án trên như: Thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai dự án, đầu tư 42 xe bằng CNG hoặc bằng điện, theo hình thức xã hội hóa bằng cách kêu gọi đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác vận hành tuyến. Dự án có tổng mức đầu tư 143 triệu USD, trong đó 121,2 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng thế giới, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự án đang được Ban giao thông thực hiện, đảm bảo tiến độ, dự kiến sẽ đưa vào vận hành giữa năm 2023.

Hà Nội yêu cầu giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Tờ Lao Động đưa tin, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3689/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, 

Nội dung công văn nêu rõ, thời gian gần đây, tình hình dịch Covid -19 có những diễn biến mới phức tạp, số mắc gia tăng với sự xuất hiện nhiều ca mắc biến thể phụ mới của chủng Omicron như BA.04, BA.05... có khả năng lây lan mạnh.

Xã hội - Bản tin 23/8:Đề xuất dùng xe điện cho tuyến BRT đầu tiên của Tp.HCM; Hà Nội yêu cầu giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới của SARS-CoV-2

Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thuộc đối tượng tiêm chủng. Ảnh minh họa

Để tiếp tục chủ động phòng chống dịch Covid -19 an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội phối hợp với các trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai tốt công tác giám sát phát hiện bệnh nhân mắc Covid -19; thu thập mẫu bệnh phẩm, giải trình tự gen để xác định, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác thống kê, báo cáo các trường hợp mắc Covid-19 tại các TTYT, các cơ sở khám, chữa bệnh, xét nghiệm trên địa bàn; rà soát, tổng hợp, báo cáo kịp thời các ca bệnh, tránh để xảy ra tình trạng không báo cáo kịp thời, dẫn tới việc phải báo cáo bổ sung ca mắc với số lượng lớn, đặc biệt không phản ánh đúng, kịp thời tình hình, xu hướng của dịch, gây khó khăn trong việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. Tiếp tục thực hiện khai báo, lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc Covid -19.

Các TTYT quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Y tế tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tốt công tác phòng, chống dịch Covid -19, trong đó chú trọng tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thuộc đối tượng tiêm chủng trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ. Chuẩn bị phương án sẵn sàng triển khai các cơ sở thu dung, điều trị trong trường hợp cần thiết. Chủ động đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch.

Cùng với đó, các TTYT quận, huyện, thị xã chủ động triển khai tốt công tác phòng, chống dịch Covid -19, trong đó tập trung triển khai tốt công tác giám sát phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19; thu thập mẫu bệnh phẩm gửi CDC Hà Nội để giải trình tự gen xác định, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên.

Thường xuyên rà soát, tổng hợp, báo cáo kịp thời (theo quy định của bệnh truyền nhiễm nhóm A) các ca bệnh, tránh để xảy ra tình trạng không báo cáo kịp thời, dẫn tới việc phải báo cáo bổ sung ca mắc với số lượng lớn, đặc biệt không phản ánh đúng, kịp thời tình hình, xu hướng của dịch, gây khó khăn trong việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh

Ngày 22/8 Việt Nam ghi nhận 2.197 ca mắc Covid -19, tăng 636 ca so với 24 giờ trước đó. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.386.016 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.771 ca nhiễm).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.224 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.080.681 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 128 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 111 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca

- Thở máy không xâm lấn: 3 ca

- Thở máy xâm lấn: 7 ca

- ECMO: 0 ca

Từ 17h30 ngày 21/8 đến 17h30 ngày 22/8 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Quảng Ninh. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid -19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.106 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 21/8 có 207.401 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 254.570.355 liều.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.