Không đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe và đào tạo giáo viên
Theo TTXVN, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Đây là điểm mới đáng chú ý trong Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành.
Cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy.
Thông tư nêu rõ những yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa. Theo đó, hệ thống đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo đã được xây dựng hoàn chỉnh bảo đảm đầy đủ các thành phần theo quy định.
Chương trình đào tạo từ xa đã được xây dựng, thẩm định và ban hành theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo.
Hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập bảo đảm khách quan, trung thực; đánh giá được quá trình học tập, đánh giá kết thúc học phần, môn học; kiểm soát và xác thực được việc học, làm bài kiểm tra, thi và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong chương trình học tập của người học.
Đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu; đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.
Tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng và được tăng lên tối đa 50% khi và chỉ khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định thực hiện trên 20% khối lượng chương trình đào tạo từ xa.
Các cơ sở phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai thực hiện chương trình đào tạo từ xa.
Đặc biệt, chương trình đào tạo từ xa là chương trình đào tạo đang áp dụng cho hình thức chính quy ngành đào tạo tương ứng của cơ sở đào tạo được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo từ xa về phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức Mạng máy tính và viễn thông.
Chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, trong đó, tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.
Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học. Những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học. Hằng năm, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo từ xa.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/2/2024.
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang diễn biến thế nào?
Theo Sức khỏe & Đời sống, ngày 8/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần đầu tiên của năm 2024 (từ ngày 29/12/2023 đến 5/1/2024), trên địa bàn thành phố ghi nhận 177 trường hợp sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện.
Số liệu cho thấy mức giảm gần 400 trường hợp so với tuần trước đó và giảm hơn 2.500 trường hợp so với cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023.
Cụ thể, tại các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua, dẫn đầu là Đống Đa với 44 ca, tiếp đến là Hà Đông (19 ca); Thanh Oai (19 ca); Ba Vì (14 ca); Hai Bà Trưng (12 ca); Hoàng Mai (10 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 40.656 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Tổng số ổ dịch năm 2023 là 1.977, hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại quận Đống Đa.
Theo đánh giá của CDC Thành phố, hiện tình hình dịch sốt xuất huyết đã cơ bản được kiểm soát. Số mắc sốt xuất huyết hằng tuần đang có xu hướng giảm liên tiếp, rõ rệt, nhanh chóng.
Dự báo, trong 3 tháng đầu năm 2024, xu hướng dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục giảm trên địa bàn Thành phố do thời tiết chuyển lạnh theo chu kỳ hằng năm, đây là điều kiện không thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh.
Mặc dù vậy, ngành Y tế khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, nghĩ rằng đã qua đỉnh dịch mà lơ là các biện pháp phòng bệnh, có thể khiến tình hình dịch phức tạp hơn. "Người dân cần tiếp tục duy trì và thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp phòng bệnh như: Diệt muỗi, diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng không cho muỗi truyền bệnh có môi trường sinh sôi, phát triển", CDC Hà Nội lưu ý.
Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động xử lý ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả, tập trung xử lý các ổ dịch phức tạp, diễn biến kéo dài. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Trúc Chi (t/h)