Ra ngõ gặp ... thạc sỹ
Theo thống kê chính thức từ bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2011-2012, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo được 89.923 học viên cao học. Như vậy, chỉ trong một năm, khoảng gần 90.000 thạc sỹ "ra lò". Cộng với những thạc sỹ và tiến sỹ của những năm trước và với đà phấn đấu về bằng cấp hiện nay, tấm bằng thạc sỹ dần trở nên đại trà.
Nguyễn Thu Hương (24 tuổi), lễ tân khách sạn M.T (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Tôi học đại học chuyên ngành tiếng Anh, hiện tại, sau 2 năm ra trường, phải đến 2/3 các bạn trong lớp đại học cũ đang học tiếp cao học. Có người học tiếp vì chưa muốn đi làm, có người vừa học, vừa làm. Thấy bạn bè thành thạc sỹ hết, tôi cũng hơi chột dạ, nhưng công việc ca kíp, tôi chưa thu xếp thời gian để đi học được.
Thêm nữa, tôi cũng không trang trải nổi học phí. Công việc hiện tại của tôi không cần phải học cao như thế nhưng biết đâu, nếu có bằng thạc sỹ, tôi có thể kiếm được những công việc tốt hơn. Dù sao thời buổi này vẫn nên có vài ba tấm bằng "giắt lưng".
Ảnh minh họa.
Cũng bàn về câu chuyện thạc sỹ, T.T.L (25 tuổi), học viên khoa Đào tạo sau đại học của trường đại học Ngoại thương chia sẻ: "Bây giờ nói đến việc đi học thạc sỹ bình thường lắm, nó gần như phổ cập rồi. Ở cơ quan, phòng tôi có 5 người thì Trưởng phòng là tiến sỹ, 2 chuyên viên là thạc sỹ, còn tôi và một anh nữa thì đang học.
Thời buổi này không cố lấy tấm bằng thì khó mà thăng tiến được. Với lại, cơ quan tôi tính lương theo bằng cấp, thạc sỹ hưởng mức lương bậc 2, hệ số lương cơ bản là 2,67 (so với bậc 1 hệ số 2,34 - PV), cứ tính mỗi tháng chênh nhau 500.000 đồng thì một năm không phải là một con số đáng để phấn đấu sao?".
Mỗi người có một mục đích riêng để cố học cho bằng được tấm bằng thạc sỹ, tuy nhiên, chất lượng của tấm bằng lại là một câu hỏi lớn. Chính anh L. cũng chia sẻ rằng, gần đây anh đã nghỉ 3 buổi học nhưng rất may... không bị điểm danh.
"Việc có bằng là cần thiết, nhưng kiến thức thì tôi thấy có học cũng không dùng để làm gì. Hồi trước, khi học đại học, tôi còn băn khoăn không biết học rồi có áp dụng được vào công việc không, bây giờ học cao học, tôi chẳng hỏi ai cũng biết chắc câu trả lời là không. Thêm nữa phần lớn mọi người đi học cao học đều vừa học vừa làm, công việc bận rộn, lấy đâu ra thời gian đụng vào sách vở, nói gì đến nghiên cứu", anh Long chia sẻ.
Làm theo “quy luật giả định”
Người tài đang ở đâu? Trao đổi với PV về việc tạo ra nguồn nhân lực có nhân cách và trình độ chuyên môn tốt, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng vụ GD Trung học thẳng thắn nói: "Để thực hiện được điều đó thì trình độ của giáo viên cần phải được nâng cao. Đây là một vấn đề khó vì ở nước ta, chất lượng giáo viên phải nói là đuối. Ngay từ đầu vào của trường sư phạm đã đuối, bây giờ thi vào sư phạm không phải là học sinh giỏi nữa mà là những học sinh có lực học trung bình. Rồi, đào tạo lại cũng có vấn đề. Ra trường, chính sách đãi ngộ kém. Nói ngành giáo dục hàng đầu vậy thôi, chứ học xong 4 năm vẫn phải đi xin. Chính sách về sư phạm như thế thì làm thế nào thu hút được người tài? Tôi đi công tác nhiều nước, nhận thấy giáo viên nước ngoài họ sống bằng lương một cách thoải mái. Trong bối cảnh nước ta có nhiều cái khó, thêm nữa là tốc độ phát triển của nền giáo dục Việt Nam quá lớn. Tóm lại là cái khó bó cái khôn". |
Chất lượng đào tạo thạc sỹ đã được mổ xẻ nhiều. Câu chuyện về hơn 2.000 tấm bằng thạc sỹ của đại học Quốc gia Hà Nội gần đây là một ví dụ. Sau khi phát hiện sai phạm trong việc cấp 159 tấm bằng cử nhân, 2.035 bằng thạc sỹ tại ĐHQGHN, Thanh tra Chính phủ kiến nghị không công nhận những tấm bằng này.
Được biết, những tấm bằng này do đối tác nước ngoài liên kết với trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm - ETC (thuộc ĐHQGHN) và do đại học Kinh tế (đại học Quốc gia Hà Nội) cấp. Tính đến thời điểm này, đã một năm sau khi vụ việc xảy ra, số phận của hơn 2.000 tấm bằng thạc sỹ vẫn bị treo lơ lửng để chờ giải quyết.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: Mổ xẻ căn nguyên của hiện tượng này chính là do tâm lý "sính" bằng cấp đang đè nặng lên môi trường xã hội hiện nay. Xã hội chạy theo bằng cấp, tôi cho rằng, quan niệm bằng cấp là chìa khóa của thành công chưa bao giờ đúng. Quán tính của chúng ta hiện nay là trọng bằng cấp nên mới đề cao quan điểm đó.
Một thống kê chưa đầy đủ, 30% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, vậy thử hỏi tấm bằng có nghĩa lý gì. Bản thân người học phải ý thức được rằng, học để lấy kiến thức ứng dụng vào thực tế, chứ học để lấy bằng cấp thì chẳng để làm gì. Chúng ta đang chạy theo số đông, chạy theo những quy luật giả định chứ không phải quy luật thật". Thậm chí có trường hợp lấy xong tấm bằng thạc sỹ thì về cất tủ do không sử dụng đến.
Trong Hội nghị nêu ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, Phó Chủ tịch nước, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Doan nhận định: "Đất nước vẫn lạc hậu dù nhiều thạc sỹ, tiến sỹ". Hội nghị này do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức nhằm thu thập ý kiến tâm huyết, có giá trị để gửi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng sắp tới (bàn về chuyên đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam).
"Tác động của giáo dục và đào tạo đối với vấn đề này như thế nào và chúng ta phải chăng đang lãng phí rất lớn một nguồn lực đối với giáo dục vào đào tạo?", Phó Chủ tịch nước nêu, vấn đề giáo dục phải tạo ra nguồn nhân lực có nhân cách của con người Việt Nam, sau đó là trình độ chuyên môn tốt.
Vì những lý do "không đầu không cuối" mà nhiều thạc sỹ bảo vệ luận án xong chẳng biết để làm gì. Làm trái nghề, làm kinh doanh hay làm công việc tay chân không cần đến bằng cấp là thực trạng với nhiều cử nhân, thạc sỹ. Tuy vậy, cuộc đua cao học vẫn chưa bao giờ nguội.
Xin trích lời của PGS. TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): "Số giáo sư, tiến sỹ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước gần 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng số lượng của một trường đại học ở Thái Lan".
Thanh Xuân