Tại các đô thị lớn, bánh cuốn có hàn the đã dần mất đất sống sau khi Bộ Y tế ra Quyết định số 867/QĐ-BYT ngày 4/4/1998 không cho phép sử dụng hàn the làm chất phụ gia thực phẩm. Thế nhưng, tại các vùng quê, dường như hiệu lực của quyết định này chưa bước chân đến các xưởng sản xuất bánh cuốn.
Lạ kỳ bánh không hằn the không ai ăn
Tại chợ Ngọc Khám (Thuận Thành, Bắc Ninh) bánh cuốn được bày bán trong những cái mẹt đen bóng bởi dầu mỡ, hoặc những chiếc mâm ăn cơm, không hề được che đậy. Mùi mỡ, hành phi, bột gạo hấp dẫn ruồi nhặng bu kín.
Trên những tấm vải che hờ, một màu đen kịt, cùng tiếng vo ve khiến không ít người trông vào phát ngán. Mỗi lần chủ hàng vạch miếng vải lấy bánh cho khách, từng đàn ruồi lớn ồ ạt tấn công mẹt bánh cuốn bóng nhầy ở dưới.
Trên những chiếc mâm nhem nhuốc, bánh cuốn được bày bán khá đắt hàng
Chị bán bánh vừa đưa tay gãi đầu vừa tay trần bóc bánh tươi cười cho biết, hàng bánh của chị là ngon nhất khu, khách ăn đông nên không bao giờ bị ế. Mỗi ngày chị bán vài chục cân là thường, ngày nào nhiều phải ngọt tạ bánh.
Cũng cùng khu chợ, chúng tôi rẽ vào một cửa hàng có tên “Bánh cuốn Nhường” được quảng cáo là làm bánh cuốn ngon nhất khu vực. Chúng tôi được chỉ chủ quán đon đả mời chào bán với giá 20.000 đồng/kg
Chị Hải, khách quen của quán này cho biết: Bánh cuốn ở đây vừa dai lại có độ giòn, rất ngon miệng. Một tuần thì đến 3 bữa sáng chị chọn món này cho gia đình. Những hàng bánh bên cạnh giá bán chỉ 17-18000/kg nhưng chị vẫn chọn mua bánh tại cửa hàng Nhường mặc dù giá có nhỉnh hơn những hàng khác nhưng chất lượng lại ngon hơn.
Khi chúng tôi hỏi chủ cửa hàng: “Chị có cho nhiều hàn the không mà bánh cuốn giòn như vậy?”. Chị chủ quán không ngần ngại trả lời: “Bánh cuốn mà không có hàn the thì gọi gì là bánh cuốn nữa. Khách người ta chỉ thích loại bánh vừa dai vừa giòn. Không có hàn the bánh sẽ vừa mềm vừa nhũn. Ngày trước nhà chị thử làm vài mẻ không có có hàn the để bán 2 loại, 1 loại không hàn the và 1 loại có hàn the. Kết quả loại không cho hàn the khách ăn thử thì bị chê là bánh nát , mẹt bánh để cả ngày không bán được cân nào …”.
Xen lẫn các đồ ăn tươi sống như thịt lợn, rau, củ, quả, ruồi nhặng vo ve, người miền quê bất chấp tất cả
Trước thông tin hàn the có thể gây độc, cả chủ quán lẫn người mua đều cười nhạt, “Ăn cái gì giờ cũng kêu độc, hoa quả thì toàn của Trung Quốc rất độc, thực phẩm cũng kêu toàn dùng chất độc . Sống chết, bệnh tật có số cả rồi. Còn sống thì cứ ăn cho “sướng” miệng chứ cảnh giác với đồ độc hại thì chỉ còn nước khâu miệng lại, treo niêu…”, bà Bách - khách hàng mua bánh cuốn nói.
Tại chợ ngã tư Ba Hàng (Tiên Lữ, Hưng Yên), các cửa hàng làm bánh cuốn cũng không giấu việc dùng hàn the khi làm món bánh này. Tất cả điều có chung quan điểm: Người mua đã quen miệng với loại bánh phải có độ giòn. Bánh cuốn không hàn the thì chỉ có nước đóng cửa đi buôn bán thứ khác vì không ai người ta ăn…!
Tương tự tại khu chợ Cầu Đỏ (Kim Thành, Hải Dương), mặt hàng bánh cuốn tại đây thu hút được lượng đông khách hàng mỗi buổi sáng. Cũng như nhiều quầy hàng tại một số tỉnh khách, theo khẳng định của người bán, bánh không có hằn the rất khó bán.
Nguy cơ đổi cả tính mạng trên đĩa bánh cuốn
Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Đây là một chất sát khuẩn và nấm yếu, được dùng trong y tế để làm săn, dùng ngoài để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Trước đây, borax có trong các công thức thuốc điều trị loét aptơ, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi... nhưng hiện ít được dùng vì có thuốc khác tốt hơn và ít tác dụng phụ. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống.
Theo y thư cổ, hàn the còn gọi là bồn sa, bàng sa, bồng sa, nguyệt thạch; vị ngọt, tính mát mặn, giúp chữa sốt, tiêu viêm, giải độc. Có một thời hàn the được dùng bào chế bột trị đau dạ dày và thuốc ho. Không biết từ bao giờ, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác.
Các chủ hàng không giấu diếm, bánh cuốn không cho nhiều hằn the, khong giòn người quê họ không ăn
Hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó. Hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loại chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.
PGS TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, việc làm hàn the trong bún, bánh cực kỳ nguy hiểm. Nhưng phụ gia này lại được sử dụng rất nhiều. Do hoạt tính kháng khuẩn – giúp tăng thời gian bảo quản thực phẩm, đồng thời có khả năng làm cho thực phẩm có độ dòn dai, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, giá thành khá rẻ... vì thế nhiều nhà sản xuất thực phẩm vẫn cố tình sử dụng chúng.
Khi vào cơ thể, độc tính của hàn the không bộc phát ngay nhưng 15% tổng lượng hàn the được đưa vào cơ thể sẽ tích tụ trong các cơ quan (mô mỡ, mô thần kinh…) dần dần gây thoái hoá các tổ chức gan, thận, cơ quan sinh sản… Người tiêu dùng nếu ăn phải thực phẩm có chứa một lượng lớn hàn the sẽ bị ngộ độc như: buồn nôn, tiêu chảy, động kinh, tróc da, phát ban, đặc biệt là vùng mông, bàn tay, có thể có các dấu hiệu suy thận, nhịp tim nhanh, hoang tưởng và hôn mê…
Tuấn Nghĩa