Trào lưu kinh doanh bánh homemade manh nha khoảng 3 năm nay. Thời gian đầu, nó chỉ xuất hiện trên các trang mạng, các diễn đàn. Giới trẻ biết đến loại bánh độc đáo này từ thói quen truyền miệng, rỉ tai. Người kinh doanh nó thì không đặt vấn đề lợi nhuận nhiều mà đơn giản, làm để vừa thỏa sức sáng tạo, chia sẻ sở thích làm bánh. Đến nay, ở Hà Nội có khoảng 10 cửa hàng kinh doanh loại bánh độc đáo này.
Ý tưởng sáng tạo không "đụng hàng"
Chị Thu Lan (Ba Đình, Hà Nội) là chủ một cửa hàng bánh homemade trên đường Văn Cao (Hà Nội). Với chị Lan, việc làm bánh chỉ là một sở thích riêng và chị đã tận dụng luôn thị trường trên mạng (sở trường) để kinh doanh. Sau vài lần giới thiệu bánh tự làm trên mạng, nhiều người hỏi mua ý tưởng sáng tạo không "đụng hàng" của chị Lan nên chị quyết định mở shop. Đến nay, mỗi ngày cửa hàng của chị nhận từ 4 -5 đơn đặt hàng. Trừ mọi loại chi phí như thuê cửa hàng, nguyên vật liệu, mỗi tháng chị Lan có lãi gần 20 triệu đồng.
"Vừa có thu nhập lại vừa thỏa mãn sở thích cá nhân nên tôi bắt đầu mê bánh homemade rồi", chị Lan nói. Chị Lan bật mí thêm, vào những dịp ngày lễ như giáng sinh, lễ tình yêu, năm mới, ngày kỷ niệm của một số ngành, cửa hàng của chị nhận 8-10 đơn hàng/ngày. Có hôm, nhiều người đến đặt quá, chị đành từ chối.
Mẫu bánh dáng hình thân cây gỗ mục đang "hot" mùa giáng sinh năm nay
Là một trong những người khởi đầu cho xu hướng đặt bánh homemade, custom-made (bánh trang trí bằng tay), chị Lan phân tích: Lợi thế lớn nhất của loại bánh làm thủ công này là không "đụng hàng", khách hàng có thể thoái mái phối hợp với người làm trong việc sáng tạo ý tưởng cho bánh, đảm bảo sản phẩm "độc", không "đụng hàng". Tâm lý của khách hàng khi sở hữu loại bánh có một không hai cũng rất khác biệt. Họ không thích mua những loại bánh đại trà "đụng hàng nhau chan chát" ở bất kì cửa hàng nào nên mới phải đặt bánh homemade.
PV Người Đưa Tin tìm đến địa điểm làm bánh thủ công khá nổi tiếng, có tên tiệåm bánh Pôn Bakery (Trường Chinh, Hà Nội). Chủ cửa hàng với nickname ngộ nghĩnh mẹ Pôn cho biết: "Giá tiền của những chiếc bánh homemade cao hơn bánh bình thường, vì làm bánh hoàn toàn từ các công đoạn thủ công, không được sự hỗ trợ của máy móc. Nếu được hỗ trợ từ máy móc, có nghĩa là bánh được sản xuất hàng loạt, sẽ "đụng hàng".
Về ý tưởng trang trí, từ hình dáng đến chất liệu của bánh đều phải phụ thuộc vào khách hàng. Khách có "điên rồ, kì cục" đến mấy, thợ cũng phải làm theo. Có những cái bánh rất hoành tráng, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng cũng có những cái bánh rất đơn giản về ý tưởng, khi thành sản phẩm lại khá đẹp”.
Giá của những chiếc bánh homemade, custom-made đắt gấp 2-3 lần so với những chiếc bánh được sản xuất hàng loạt. Những mẫu bánh phục vụ giáng sinh năm nay, có đường kính trung bình 20cm, giá tiền vào khoảng 250.000 - 300.000 đồng/1 chiếc bánh. Sản phẩm nào được trang trí bằng fondant (kem đường) luôn phải có 2 thợ phối hợp để vừa làm bánh, vừa thiết kế.
Với những loại bánh cầu kỳ và tạo hình càng nhiều thì thời gian chuẩn bị và chờ cho fodant - khô, càng lâu nên luôn có giá từ 1 triệu đồng trở lên. Bánh hình bình sữa, đồ chơi, búp bê Barbie, lâu đài, siêu nhân cho em bé; hình số cho các dịp sinh nhật, hình hoa hồng, trái tim cho các cặp tình nhân cũng được giới trẻ đặt làm nhiều... Thậm chí, với lợi thế biết tiếng Trung, mẹ Pôn có sáng tạo độc đáo, đó là chiếc bánh "thư pháp". Riêng với dòng bánh trang trí, giá bánh luôn cao, bởi công người làm nhiều, lại mang tính sáng tạo và nghệ thuật.
Theo tìm hiểu của PV, giáng sinh năm nay, các mẫu bánh "hot" là mô phỏng thân cây gỗ mục và được trang trí rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Mẹ Pôn đang trang trí khúc cây gỗ mục, vui vẻ nói: "Mới đầu vụ giáng sinh, hiệu bánh đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng. Nhiều loại bánh được trang trí độc đáo như: Bánh hình tròn, bánh vòng nguyệt quế...".
Nhìn đôi bàn tay khéo léo của mẹ Pôn trang trí từng cây thông, từng cây nấm... trên "khúc củi mục" ai cũng tấm tắc khen. Để cho khúc cây gỗ được như ý, cô chủ hiệu bánh vừa tỉ mẩn dùng dĩa, cào những đường liên tiếp trên chiếc bánh đã quết kem rất kỳ công và đòi hỏi sư tập trung cao độ. Đặc biệt giáng sinh năm nay, các gia đình rất "kết" mẫu bánh thiết kế 3D, nghĩa là những hình ảnh chủ đề Noel như cây thông, ông già tuyết, hộp gói quà... được phối hợp cùng với fondant để tạo ra không gian 3 chiều, hình sống động và thú vị.
Sau đêm Noel, các bé có thể giữ lại để ăn dần (giống kẹo đường) hoặc làm đồ chơi trong vài ngày. Thị trường cho thấy, mẫu bánh này đang trong tình trạng "sốt xình xịch" với 50-60 đơn/ngày. "Vào dịp này, lao động của cửa hàng buộc phải làm thêm giờ, tuyển thêm cộng tác viên làm bán thời gian mà vẫn phải từ chối đơn hàng nếu khách không đặt trước" - mẹ Pôn cho biết.
Khách đặt hàng hào hứng tham gia nhập cuộc làm bánh
Khi ý tưởng không "đụng hàng" tranh nhau sự lạ, độc đáo
Mẹ Pôn vừa nhanh tay gói hàng cho khách vừa nói: "Tôi không học làm bánh ở trường lớp nào cả, chỉ đọc sách hoặc học trên mạng rồi tự làm ở nhà cho cả gia đình cùng thưởng thức. Sau thấy nhiều người có nhu cầu, tôi quyết định kinh doanh loại bánh này để kiếm thu nhập".
Cô chủ shop này thường nói vui, để làm tốt nghề này, người làm phải có đầu óc nhạy bén, hiểu được ý tưởng khách hàng trình bày. Ngoài ra, thẩm mỹ của người thợ phải cao thì sản phẩm ra đời mới sống động bởi những tạo hình này hoàn toàn bị động và không theo bất kỳ mẫu nào có trong sách vở. Chị kể, khi theo đuổi nghề này, chị gặp không ít những tai nạn nghề nghiệp, khó khăn thì chồng chất. Nếu kinh doanh trên mạng, nhiều khách hàng đặt rồi không nhận bánh thì người làm chỉ còn nước mang về và ăn trừ, bởi sản phẩm không chứa chất phụ gia bảo quản nên độ bền không cao.
Chính vì những chiếc bánh homemade được làm thủ công, người làm phải chịu áp lực thời gian và chưa từng học qua lớp đào tạo chuyên nghiệp, nên bánh có khi bị "lỗi". Chị Thanh Tâm (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bánh đặt theo yêu cầu riêng nên khách thường khó tính hơn khi mua hàng đại trà. Chị cũng đã từng kì vọng chất lượng ở bánh homemade cao hơn so với các loại bánh thông thường vì vẻ ngoài rất hấp dẫn. Chính vì vậy, trong một lần đặt bánh cho con, chị thấy hơi thất vọng, khi ăn vẫn thấy hạt đường trong bánh.
Còn chủ shop bánh mẹ Pôn thì tâm sự, thời gian đầu nhận đơn hàng của khách do hai bên chưa hiểu nhau về ý tưởng nên khi thiết kế, trang trí, có nhiều sản phẩm bị lệch so với mô tả ban đầu của khách, bị trừ tiền là điều không tránh khỏi. Sau này, mẹ Pôn đã khéo léo chủ động lôi kéo khách hàng cùng phối hợp với mình lên ý tưởng trang trí chứ không thụ động nhận đơn từ khách nữa.
Khác với những thợ làm bánh thông thường, họ thường sử dụng các chất phụ gia, tạo màu... mà nhiều chất nằm trong danh mục cấm, độc hại cho sức khỏe. Sử dụng những chất này có thể lưu giữ sản phẩm qua nhiều ngày mà không sợ bị ôi, thiu. Trong khi đó, sản phẩm bánh thủ công này chỉ khi khách đặt, chủ shop mới bắt đầu làm nên bánh luôn đảm bảo nóng hôi hổi, rất an toàn.
Theo mẹ Pôn, một chiếc bánh tối thiểu sẽ bao gồm 2 lớp, số lượng lớp bánh còn tùy thuộc vào yêu cầu của khách, với nhân ở giữa bao gồm mứt, kem tươi, bên ngoài phủ bằng kem bơ. Khách hàng có thời gian còn có thể tham gia cùng với thợ để hoàn thành chiếc bánh. Ngoài ra, khách hàng làm với thợ cũng là một cách để họ kiểm tra nguyên vật liệu làm bánh có an toàn hay không?
Linh Nhi