Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung, bạo lực giữa các em học sinh, sinh viên ngay chính trong trường học. Nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra làm gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này, câu hỏi đặt ra liệu trường học có trở thành nỗi ám ảnh đối với học sinh?
Để hiểu rõ hơn về bạo lực học đường và những vấn đề mang tính pháp lý Người Đưa Tin (NĐT) đã cuộc trao đổi với Luật sư Đinh Thị Kim Liên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Thái Bình, người có quá trình tham gia tranh tụng các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi.
Hình phạt nào cho bạo lực nơi học đường?
Người Đưa Tin (NĐT): Bạo lực học đường là chuyện không mới, nhưng không bao giờ hết nóng, thậm chí ngày càng trở nên phổ biến, chị đánh giá thực trạng các vụ bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra như thế nào?
Luật sư Đinh Thị Kim Liên: Trong quá trình làm nghề, tôi đã nhận rất nhiều câu hỏi tư vấn và bảo vệ cho các bạn cố ý gây thương tích, thậm chí là gây tử vong khi em chưa đủ 17 tuổi.
Bạo lực tại chính nơi người ta nghĩ là an toàn đang xảy ra ngày càng nhiều. Đây là vấn đề đáng báo động vì số lượng vụ việc và mức độ nghiệm trọng ngày càng gia tăng. Độ tuổi của các học sinh có hành vi bạo lực cũng đang có xu hướng trẻ hoá, diễn ra không chỉ ở cấp THPT mà còn ở THCS, thậm chí là tiểu học.
NĐT: Vậy xuất phát từ những nguyên nhân gì khiến học sinh phải dùng bạo lực để giải quyết mẫu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè?
Luật sư Đinh Thị Kim Liên: Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn các em tiếp xúc những nội dung chưa thực sự đúng đắn, mang tính bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi trên các phương tiện sách, báo, truyện tranh, phim ảnh, internet, mạng xã hội.
Do mâu thuẫn cá nhân giữa các học sinh với nhau, bằng nhiều lý do như nhìn đểu, nói móc, tranh giành người yêu,... Sự bồng bột trong suy nghĩ ở độ tuổi đang phát triển, suy nghĩ của các bạn chưa đủ chín chắn, tính hiếu thắng và mong muốn thể hiện cao, không biết tự điều chỉnh cảm xúc để giải quyết mâu thuẫn, mà luôn hướng tới việc “trả thù” bằng việc gây ra những tổn thương về sức khỏe, tinh thần cho đối phương.
Về phía gia đình cũng chưa có sự quan tâm thấu đáo, đầy đủ đến các em. Phần lớn cha mẹ không có sự chia sẻ kịp thời, phát hiện những biểu hiện, nhận thức của con mình trước những vấn đề của cuộc sống. Từ đó, khiến cho học sinh không hiểu được những hành vi của mình là trái với quy định của pháp luật.
Các nhà trường hiện nay cũng chưa có sự quản lý chặt chẽ, các vụ bạo lực học đường xảy ra rồi người ta mới đi tìm nguyên nhân. Và không thể không kể đến nguyên nhân do thờ ơ, quá nguyên tắc, chưa có hình thức xử phạt và quan tâm đầy đủ của nhà trường, thầy cô giáo.
NĐT: Nhiều ý kiến cho rằng, bạo lực học đường chỉ là mâu thuẫn ở tuổi học trò. Vậy nhưng, ở góc độ pháp luật, hành vi này có phải là vi phạm pháp luật không và có thể bị xử lý như thế nào?
Luật sư Đinh Thị Kim Liên: Tại các nhà trường đối với các hành vi bạo lực học đường hiện nay vẫn chỉ áp dụng các chế tài xử phạt đối với những học sinh có hành vi bạo lực học đường cụ thể là việc xử lý kỷ luật, thường là viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học có thời hạn hoặc buộc thôi học…
Tuy nhiên, tùy vào từng mức độ, hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi bạo lực học đường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020 với lỗi cố ý.
Hình thức xử phạt là cảnh cáo áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Nhưng tuy nhiên, ở mức độ cao hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức phạt tù cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi là không quá 18 năm tù; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là không quá 12 năm tù.
Tội làm nhục người khác với mức phạt tù cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi là từ 1,5 năm đến 3,5 năm tù.
Ngoài ra, theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Nếu trường hợp các em chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã đủ 12 tuổi thì tùy trường hợp có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.
Cần làm gì để được pháp luật bảo vệ?
NĐT: Vậy vai trò, trách nhiệm của gia đình và các đối tượng liên quan như giáo viên, nhà trườngtrong vấn đề này như thế nào, thưa chị?
Luật sư Đinh Thị Kim Liên: Phụ huynh cần cân đối giữa công việc và con cái, lắng nghe, cố gắng trở thành người bạn để con có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng để kịp thời nắm bắt, giúp đỡ.
Việc bạo lực học đường được xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập vì thế nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho người học.
Để bạo lực học đường không xảy ra, nhà trường, giáo viên cần phải thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, trong đó bao gồm việc bố trí các phòng tư vấn tâm lý trong khuôn viên trường. Tăng cường công tác phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến những điều được làm và không được làm đối với lứa tuổi của các em.
Thông qua đó, sẽ giúp phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.
NĐT: Các em học sinh, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ bản thân trước các hành vi bạo lực tại học đường để được pháp luật bảo vệ?
Luật sư Đinh Thị Kim Liên: Đây cũng là vấn đề khá nhức nhối bởi không phải cơ sở giáo dục nào cũng có đủ các trang thiết bị để bảo vệ học sinh. Và không phải các hành vi bạo lực học đường đều diễn ra công khai.
Theo quan điểm của tôi, để tự bảo vệ bản thân trước các hành vi bạo lực tại học đường, các em học sinh cần ngay lập tức thông báo với cha mẹ, giáo viên phụ trách về sự việc xảy ra với mình.
Đối với các bậc phụ huynh cần tâm sự, gần gũi con để tìm hiểu, chia sẻ cùng con để biết những nỗi sợ hãi, lo lắng của con, giải thích phân tích cho con sơ bộ về những giải pháp có thể giúp đỡ con trong đó có việc pháp luật sẽ bảo vệ con.
Đồng thời, phụ huynh cũng cần nhanh chóng phản ánh sự việc của con mình gặp phải đến nhà trường và hướng dẫn con tố cáo hành vi bạo lực học đường của các bạn nếu ở mức độ nặng có thể đi giám định tỉ lệ thương tật, để nhà trường, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý, giải quyết vụ việc theo đúng quy định, bảo vệ công bằng cho con.
NĐT: Xin cảm ơn sự chia sẻ của luật sư!