Bảo tàng lịch sử TP.HCM là nơi tiếp nhận 849 cổ vật của cụ Vương Hồng Sển hiến tặng. Trong số đó, có một chén cổ vật được cụ Sển luôn yêu quý và ưu ái đặt riêng cho cái tên "Tham thì thâm". Không hiểu vì lẽ gì mà cụ lại đặt tên cho cái chén rặt "mùi" thói đời như vậy.
Bức ảnh hiếm hoi về chén cổ vật có tên "Tham thì thâm" đã bị mất cắp
"Mất" cổ vật ngay nơi bảo quản?
Qua tìm hiểu, chén "Tham thì thâm" có niên đại từ thế kỷ 19. Chiếc chén này được làm bằng chất liệu gốm men ngọc với chiều cao 4cm, vành miệng có hình 7 cánh hoa, giữa lòng chén có đặt một tượng ông tiên màu lam, có soi lỗ một bên, ngoài thân có 7 gân nổi, chân đế thấp, dáng gần như xoắn trôn ốc.
Lúc sinh thời, bảo vật này được cụ Sển đưa vào bộ chén cực độc và lạ thuộc diện có một không hai tại Việt Nam. Chén cổ này luôn được giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật cả nước mến mộ. Họ nhiều lần tìm đến nhà cụ để tận mắt quan sát tìm hiểu. Và, cũng vì sự đặc biệt đó mà cụ Sển đặt cho nó cái tên "Tham thì thâm". Chiếc chén này gắn liền với câu chuyện ngụ ngôn có hàm ý dạy đời.
Theo lời kể của chị Vương Thị Việt Hoa, cháu của cụ Sển, người được cụ tin tưởng và hay chỉ bảo tận tình từng loại cổ vật thì: "Thời đó, cụ hay đem chén cổ có hình ông tiên này ra khoe với mọi người. Tôi cũng được chứng kiến nhiều lần khi cụ biểu diễn đổ nước vào chén. Cụ thường bảo, chén này hay lắm, chỉ đổ nước đến mực cho phép thôi, nếu cố gắng đổ thêm một giọt nước vào là tự động nước sẽ chảy hết ra ngoài. Cụ bảo, vì trong chén có "van" rất hay, chỉ cần hơn một giọt nước nó sẽ tự động bật "van" này và đổ hết ra ngoài".
Năm 1997, bảo tàng Lịch sử TP.HCM tiếp nhận số hiện vật để bảo quản và tổ chức riêng một không gian trưng bày bộ sưu tập mang tên Vương Hồng Sển. Đây như một cách để tri ân nhà nghiên cứu văn hóa và sưu tập cổ vật nổi tiếng ở miền Nam, người đã có nhiều đóng góp những đồ cổ vô giá trong việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
11 năm trôi qua, kể từ ngày tiếp nhận, các cổ vật vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cho đến một ngày tháng 7/2008, một sự việc bất ngờ đã xảy ra. Trước khi chén cổ vật được mang ra trưng bày thì người ta lại báo nó đã bị mất. Sự cố hy hữu này khiến nhiều người ngạc nhiên vì bảo vật lại mất trong khu làm việc của phòng trưng bày tuyên truyền. Điều đó có nghĩa hiện vật bị mất vẫn còn nằm trong bảo tàng. Nhưng lạ một điều là vẫn không tìm ra tung tích kẻ đánh cắp.
Sau gần 5 năm kể từ khi bị mất, đến nay, khi thông tin bị rò rỉ, nghi vấn, báo chí vào cuộc thì sự thật mới được đưa lên mặt báo. Có một điều là tài sản của quốc gia do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cất giữ đã bị mất một cách vô cớ nhưng đến nay thủ phạm cao tay vẫn còn là bí ẩn. Chén cổ cũng không biết đã lọt vào tay ai?.
Bà Trần Thị Thúy Phượng, giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Người trong cuộc nói gì?
Bà Trần Thị Thúy Phượng, giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết: "Sự việc xảy ra cũng đã lâu. Cho đến nay, bảo tàng cũng đã tiến hành kiểm điểm kỷ luật những cán bộ liên quan trong việc để mất cổ vật. Hiện Bảo tàng cũng đã tìm ra hiện vật tương thích để bù vào".
Bà Phượng cũng cho biết thêm, trước đây, bảo tàng chưa từng xảy ra việc để mất cổ vật. Bảo tàng cũng rất bất ngờ khi hiện vật số 15121 của cụ Sển bị mất. Cổ vật bị mất ngay trên bàn làm việc của phòng trưng bày. Khi người kiểm kê vừa ra ngoài được khoảng 10 phút, lúc quay lại thì cổ vật đã "không cánh mà bay".
Cũng theo bà Phượng, vì khu vực làm việc đó không có người lạ ra vào nên việc xác định nghi vấn chỉ ở trong nội bộ bảo tàng. Lúc phát hiện cổ vật bị mất, ban lãnh đạo bảo tàng đã chỉ đạo ngay lập tức khoanh vùng kiểm tra chặt chẽ từng ngóc ngách của các căn phòng, ngay cả thùng rác cũng phải lục nhưng vẫn không thể tìm ra. Về vấn đề xử lý vụ việc sau khi cổ vật bị mất, lãnh đạo bảo tàng cũng đã trình báo lên cơ quan quản lý.
Ngoài những vấn đề trên, trong tờ giấy "phiếu thông tin hiện vật" mà bà Phượng đưa ra cho PV có đoạn ghi rõ: Ngày 2/7/2008, hiện vật (chén cổ vật) đã bị thất thoát trong quá trình xuất lên trưng bày trong phòng sưu tập Vương Hồng Sển. Và đề xuất của phòng Kiểm kê bảo quản là: "Đã trích xuất hiện vật này ra khỏi sổ đăng ký hiện vật, đồng thời đề nghị nếu tìm ra hiện vật tương tự thì phải đăng ký vào sổ hiện vật này để sổ hiện vật được đảm bảo liên tục, nhưng phải ghi rõ đây là hiện vật mới bổ sung sau này". Trong tờ giấy được in ra đó còn có ghi dòng chữ "chế độ bảo mật"?.
Bức xúc trước việc cổ vật đã giao cho bảo tàng quản lý rồi mà vẫn bị mất, bà Vương Thị Việt Hoa, cháu cụ Sển, người đã chứng kiến từ đầu tới cuối việc ghi nhận, định giá các hiện vật trước khi chuyển giao cho bảo tàng lịch sử TP.HCM bảo quản lên tiếng: "Thực sự tôi hết sức bất ngờ trước thông tin này. Tôi cứ nghĩ cổ vật đã giao cho nhà nước quản lý chắc chắn sẽ an tâm. Có ngờ đâu, sự việc lại xảy ra như vậy. Tôi mong rằng thông qua cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng vào cuộc để điều tra làm rõ việc mất cắp này".
Thiết nghĩ, trước sự việc mất cắp cổ vật đã thuộc tài sản của quốc gia, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ thông tin nhằm trả lời trước dư luận. Vì việc mất cắp này xảy ra ngay trong nội bộ của bảo tàng, nơi được giao sứ mệnh cất giữ và bảo quản trưng bày các hiện vật thuộc tài sản của quốc gia.
Mâu thuẫn xung quanh tung tích của cổ vật Trao đổi qua điện thoại với Ông Nguyễn Thành Rum, giám đốc sở VHTT&DL TP.HCM về thông tin mất cổ vật của cụ Sển tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, ông này cho biết: "Ngay sau khi cổ vật bị mất, bảo tàng đã có báo cáo gửi lên Sở. Đến nay, vụ việc cũng đã được xử lý". Tuy nhiên không hiểu tại sao, trong khi bà Trần Thị Thúy Phượng, giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khẳng định: "Hiện nay chúng tôi vẫn tiến hành tìm kiếm cổ vật của bác Vương Hồng Sển", thì ông Nguyễn Thành Rum cũng lại khẳng định: "Hiện đã tìm được những mảnh vỡ của chiếc chén cổ bị mất?". |
Phạm Khoa