Khi tiếng đạn đã ngưng, anh bộ đội S’Tiêng Điểu Lên lại cất công sưu tầm những gì thuộc về văn hóa lịch sử Sóc Bom Bo. Già Điều Lên không chỉ tìm kiếm hiện vật mà còn sưu tầm những thứ vô hình. Đó là những câu chuyện thế hệ cha anh ở Sóc Bom Bo ngã xuống để dưỡng dục truyền thống bản làng cho đồng bào mình. Đó là câu chuyện tấm gương hy sinh gan dạ của chiến sĩ Điểu Siêng. Người trong lúc chiến đấu bị thương gãy đùi, địch bắt sống đem về tra tấn dã man.
Để bảo toàn căn cứ cách mạng, Điểu Siêng đã chấp nhận hy sinh. Giặc giết Điểu Siêng rồi treo lên đầu làng để khủng bố tinh thần. Hay những câu chuyện cha ông ăn củ mài, củ chụp dành nửa lon gạo cho cách mạng. Rồi nguồn gốc cái tên Sóc Bom Bo có từ đâu, phải trải qua những biến động như thế nào, để có ngày được sống yên bình.
Mặc dù lớn tuổi nhưng vợ chồng già Điểu Bá Đời vẫn lên rẫy làm việc
Những hiện vật của đồng bào S’Tiêng ở Sóc Bom Bo cũng được già Điểu Lên sưu tầm gìn giữ cẩn thận. Dẫn tôi đến khu trưng bày ché Sa Lung trong gian nhà của mình, già Lên cho biết, tất cả được ông cất công sưu tầm hàng chục năm nay. Đây là loại ché được đúc theo bí truyền mà đồng bào S’Tiêng cho là biểu tượng cho sự giàu có, sang trọng và rất quý.
“Nếu không có loài ché này con trai sẽ không lấy được vợ đâu”, già cho biết. Tuy nhiên, đến nay nó trở nên hiếm hoi ít người nào có được. Ngoài gian ché ra, ông còn sưu tầm nhiều loại khác như cồng, chiêng, kèn bầu và nhiều thứ vật dụng khác để con cháu sau này còn biết truyền thống tập tục của mình.
Già Điểu Bá Đời cũng là một người “giữ hồn” của người S’Tiêng. Bà biết dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình. Lấy tấm thổ cẩm còn đan dở, già cho biết: “Đan loại này theo truyền thống thì kỳ công lắm. Ngày trước không có len nhân tạo, đồng bào mình phải vào rừng kiếm về. Chúng tôi phải lấy quả của loài cây làm bông, giã, nấu “se thành sợi, ngay cả những màu đỏ, đen đều lấy tất cả từ cây rừng. Tuy nhiên thế hệ sau không ai biết làm nữa. Già cũng chỉ biết cách dệt thôi chứ làm sợi từ cây rừng thì chịu”.
Đến nay người S’tiêng đã có quần áo Tây mặc kín thân, chứ không còn cảnh nam đóng khố, nữ bận váy nữa. Những tấm thổ cẩm kỳ công đan hàng tháng trời mới xong cũng chỉ phục vụ cho những ngày lễ lạt truyền thống đồng bào mình mà thôi.
Ngoài ra, Điểu Bá Đời cũng là người biết nấu rượu cần truyền thống của đồng bào mình. “Ngày nay con trai S’Tiêng chỉ thích uống rượu nấu bằng men, chứ không ai nấu rượu truyền thống nữa cả. Rượu đồng bào mình ngọt, say nhưng không nhức đầu, không sinh ra bệnh tật”, già Điểu Lên cho biết. Để có một hũ rượu cần, ngoài tay nghề giỏi, còn phải biết lấy đủ nguyên liệu.
Phải vào rừng tìm lá Kraiđăng trong hẻm đá, và vỏ cây Hmuôl bên bờ suối. Lá và vỏ cây hai loài này trộn chung gạo ủ càng lâu càng ngon, làm nên vị đắng ngọt của rượu cần của người S’Tiêng. Thế nhưng, đến nay số người nắm giữ được bí quyết như Điểu Bá Đời chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Dương Đông