Kênh lưu truyền văn hóa của người Mnông
Lễ mừng thọ của người dân tộc Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 8/2022 và trở thành một trong ba di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.
Theo phong tục người Mnông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ, nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Đồng thời, đây cũng là kênh lưu truyền văn hóa của người Mnông.
Buổi lễ mừng thọ thường tổ chức vào tháng 1 đến 2 dương lịch hàng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương, rẫy.
Nghi lễ cúng mừng thọ của người Mnông không thể thiếu các lễ vật gồm: 3 ché rượu cần, một con heo, 3 chén đựng cơm; 3 chén rượu cần, 3 ống lồ ô, một hô lô đựng đầy nước.
Ngay từ sáng sớm, mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc, bà con trong buôn làng đến chung vui với gia đình. Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì các thủ tục của nghi lễ cúng mừng thọ sẽ bắt đầu.
Thầy cúng gọi Yang gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức lễ mừng thọ, cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu.
Tiếp đó, thầy cúng sẽ mời người cha người mẹ cầm rượu cần uống và tiếp tục cầu khấn, trao chiếc còng giống như một tín vật của thần linh thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất.
Sau đó, các thành viên trong gia đình lần lượt thay phiên nhau mời bố mẹ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc cha mẹ. Người dân trong buôn làng cũng đến chúc thọ, cùng nhau múa hát, uống rượu cần.
Cần có chính sách chăm lo cho nghệ nhân
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, lễ hội truyền thống nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông nói riêng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Mặt khác, cuộc sống hiện đại phần nào tác động di sản, người am hiểu về di sản văn hóa dân tộc ngày càng ít, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa dân tộc,… khiến cho những nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một.
Nghệ nhân Y Ơn Liêng, ở buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk chia sẻ: “Tôi rất khao khát lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống để Lễ mừng thọ trường tồn với mới thời gian. Để làm được điều đó, Nhà nước, các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ nghệ nhân.
Đồng thời, phải tích cực sưu tầm, ghi chép lại các bài cúng, trình tự cúng của các nghi lễ. Mặt khác, cần có chính sách chăm lo cho nghệ nhân, quy định cụ thể, rõ ràng và quy trình phong tặng nghệ nhân. Trong thực tế, rất nhiều người không phải nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân nhưng rất tâm huyết với văn hóa truyền thống, tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ nhưng không được hỗ trợ”.
Xuất phát từ thực trạng nói trên, mới đây, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông.
Hội thảo nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông. Đồng thời, khai thác hiệu quả di sản gắn với phát triển du lịch địa phương, góp phần tạo thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Hội thảo đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của hơn 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực khác nhau... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan trung ương và địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông.
Đồng thời, các đại biểu bổ sung thêm một số thông tin rất thiết thực và hữu ích liên quan đến nghi thức, nghi lễ của Lễ mừng thọ. Trong đó, nhiều đại biểu đã có những ý kiến đề xuất khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông gắn với phát triển du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, ngành văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan nhằm hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, có những giải pháp phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Lễ mừng thọ của người Mnông nói riêng.
Khánh Ngọc