Bạo hành trẻ em không phải đến bây giờ mới được đề cập. Thực tế, trên thế giới đã có không ít những vụ bạo hành khiến dư luận xôn xao.
Mới đây, một ông bố 45 tuổi đang sống tại thành phố Kitakyushu, Nhật Bản đã bị cảnh sát bắt vì dùng súng điện gây choáng với hai con gái 17 và 13 tuổi, con trai 11 tuổi.
Anh này cho rằng mình buộc phải làm như vậy là do các con không tuân theo quy tắc đã đề ra.
Hậu quả của lần kỷ luật ấy là cậu con út bị bỏng nhẹ ở cánh tay, còn hai cô chị không có vết thương rõ ràng trên cơ thể.
Đây là ca mới nhất trong một loạt các vụ lạm dụng trẻ em gây xôn xao ở Nhật Bản. Trước đó, vào năm 2018, bé gái Yua Funato (5 tuổi) bị cha đẻ đánh đập dã man và bị bỏ đói đến chết.
Ngày 28/5, Hạ viện Nhật Bản đã nhất trí thông qua kế hoạch cấm phụ huynh trừng phạt về thể xác đối với con cái.
Hiện có hơn 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, đã có luật cấm trừng phạt về thân thể đối với trẻ em khi ở nhà. Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ 3 ở châu Á ban hành lệnh cấm tương tự sau Mông Cổ và Nepal.
Ở Trung Quốc, nạn bạo hành trẻ nhỏ thật sự trở nên nhức nhối. Truyền thông ở Trung Quốc đã ghi lại số vụ bạo hành gia tăng ở các cơ sở chăm sóc trẻ em, thường là ở các thành phố nhỏ và thị trấn.
Trong một bài báo điều tra kéo dài được công bố năm ngoái, Tân Hoa Xã cho hay 968 trường hợp bạo hành trẻ em đã được ghi nhận trên toàn quốc trong khoảng thời gian 2013 và 2015, với ít nhất 1.790 trẻ em, còn nhiều người chưa được báo cáo.
Vào một ngày trên phố Vạn Giang (Quý Châu), người đi đường thương cảm khi nhìn thấy cháu bé trai đứng ngoài đường, trên người mặc độc một chiếc quần lót.
Một nhân chứng nói răng: "Chúng tôi thấy cha mẹ cậu bé bắt con cởi quần áo và đứa bé đã cởi trong vòng 10 giây".
Sau tìm hiểu, được biết, nguyên nhân là cậu bé 7 tuổi này đã sờ vào mông một bạn nữ trong lớp nên người mẹ ở Trung Quốc đã quyết định dùng hình phạt giáo dục con.
Người mẹ nói: "Thằng bé đã chạm vào mông một bạn nữ cùng lớp ngày hôm qua. Giáo viên nói hành vi này phải uốn nắn từ nhỏ, lớn lên sẽ khó xử lý".
"Thằng bé đối xử với người khác thế nào thì chúng tôi sẽ đối xử với cháu thế ấy, để cháu cảm nhận ánh mắt của người xung quanh", người mẹ nói thêm.
Sau một lúc để con trần trụi trước nhiều người qua lại, người mẹ gọi con lại, bảo xin lỗi cô bé kia và cha mẹ cô bé.
Tiếp theo hỏi con đã nhận thức về hành vi sai lầm của con chưa và tăng cường dạy bảo thêm.
Đa số ý kiến phản đối cách làm này. Một số người cho rằng phạt kiểu này còn đau hơn là đánh đứa trẻ. Bởi sẽ gây ra chấn thương tâm lý khó khắc phục và vô tình như vậy khiến đứa trẻ càng khó bảo hơn.
Trước đó, một ông bố sống ở Hoa Khê, Quý Dương đã phạt con bằng cách cho cậu bé ấy ở trần hứng chịu cái lạnh 0 độ C vào mùa đông khắc nghiệt trong khoảng 10 phút.
Cậu bé Trung Quốc không mặc áo, run rẩy, khóc lóc chép vở, bởi người bố nói con không chịu học bài nên đã phạt bằng thể xác.
Anh Hứa, bố của cậu bé nói rằng: "Bình thường chúng tôi dạy con theo cách thuyết phục, nhưng bây giờ con không nghe lời, nên phải đưa ra hình phạt thân thể".
May mắn sức khoẻ của cậu không bị ảnh hưởng.
Anh Hứa cũng thừa nhận cách giáo dục này hơi quá nghiêm khắc, nhưng con trai tiến bộ đáng kể, từ hôm đó đã chủ động học hành hơn. Anh Hứa cho biết sẽ không thực hiện cách trừng phạt thể xác đối với đứa trẻ nữa.
Đối với một đứa trẻ có nhiều cách để trừng phạt, nhưng không nên đánh đập hay hành hạ thể xác bé. Điều này càng làm tổn thương tâm hồn của trẻ, hơn nữa cũng khiến trẻ không tự nguyện khuất phục.
Theo thống kê của UNICEF, hiện có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của bạo hành và ngược đãi. Ở các nước phương Tây, luật chống bạo hành trẻ em đã được thực thi từ lâu và rất cụ thể, tuy nhiên từng vùng sẽ có những điều luật bảo vệ trẻ em cũng như là mức độ xử lý vi phạm khác nhau.
Minh Anh (Theo Reuters, China news)