“Bắt nạt” đã gọi là thơ chưa?
Bài thơ có 8 khổ. Khổ đầu tác giả khẳng định bắt nạt là xấu. Đó là thông điệp thứ nhất. Khổ 2, tác giả khuyến khích trẻ em học nhảy híp hóp và học hát thay cho bắt nạt. Thông điệp khổ 3 là nhấn mạnh việc thách thức (kẻ đi bắt nạt) đi ăn mù tạt. Nếu không ăn mù tạt, thì sao không trêu mù tạt ( !?!) Khổ 4 : các bạn nhút nhát rất đáng yêu. Khổ 5+6: Mở rộng việc khuyên nhủ đừng bắt nạt người lớn, trẻ con, cây cối, chó mèo, nước khác . Khổ 7: Khuyến cáo nếu ai bắt nạt, cứ đưa bài thơ này và đến gặp tác giả ngay. Khổ 8 : Trích nguyên văn: “ Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi”.
Về mặt nội dung, có thể hiểu nôm na rằng, bài thơ nhắn nhủ đừng nên bắt nạt người khác. Nếu có giỏi, thì ăn mù tạt đi, trêu mù tạt đi, nhảy híp hóp đi... Đừng bắt nạt ai cả, chó mèo, cây cối, trẻ con, người lớn...v.v... Nếu vẫn bị bắt nạt, đưa ngay bài thơ này cho kẻ bắt nạt, và bảo đến gặp tác giả ngay. Ngỡ tưởng đằng sau hàng loạt mệnh lệnh thức nửa như ra lệnh, nửa như van lơn trong cụm từ “ đừng bắt nạt” ấy, là thái độ cứng rắn, hay ít ra là bài học kinh nghiệm gì đằng sau việc bắt nạt, thì tác giả thủng thẳng: “Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi” .
Bài thơ quẩn quanh với hai từ bắt nạt, khi thì khuyên nhủ, lúc thì van lơn, cuối cùng phó mặc. Tận cùng của bế tắc là buông xuôi : “vì bắt nạt rất hôi”.
Đang giáo huấn việc bắt nạt, lại mời đến bắt nạt, rồi nói việc bắt nạt hôi.
Đây là trận đấu tù mù không cân sức giữa tư duy và cách thể hiện ngôn ngữ của tác giả. Từ vị mù tạt ở khổ 2 đến mùi hôi hám được chốt ở khổ cuối có liên quan đến nội dung . Nếu bài thơ có hình ảnh đẹp, có những chi tiết khiến người đọc rung động, có nghệ thuật thi ca, chứ không phải là một bài giáo huấn nửa vời được ép gọi là thơ kia, thì mọi việc sẽ khác.
Sự lặp nghĩa, lặp từ ...được cho là nghệ thuật này cũng không đủ bài thơ có tiêu chí nghệ thuật đúng nghĩa của nó. Lủng củng, ngôn từ gượng ép, hình ảnh nghèo nàn, kết tắc tỵ. Nên đã gây một hiệu ứng ngược, khi tác giả chỉ trích nặng nề những người phê bình bài thơ của mình. Nguyên Tổng biên tập báo Nhi Đồng, tiến sĩ Ngữ văn, nhà thơ Trần Quang Đạo khẳng định, đây không phải là bài thơ dở, mà là bài thơ rất dở.
“Ngữ văn 6 giúp các em phát triển hiệu quả năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học nhờ hệ thống ngữ liệu có Tính thẩm mỹ cao (HD nhấn mạnh), giàu tính nhân văn, gần gũi với thực tiễn cuộc sống, được khai thác thông qua các hoạt động dạy học thiết kế theo phương pháp dạy học ngữ văn hiện đại...”
(Ngữ văn 6, tập 1/Lời nói đầu, trang 08, Kết nối tri thức với cuộc sống)”
Nhà giáo Kim Liên, vốn là học sinh giỏi văn quốc gia, học đại học văn ra, làm giáo viên văn, làm cán bộ chỉ đạo văn than thở với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý : “Cả thanh xuân gắn với sự nghiệp giáo dục 29 năm giờ gặp tình huống này vừa buồn vừa xấu hổ”. Kỹ sư Hoàng Long Giang kiệm lời hơn : "Nhí nha nhí nhố chứ thơ phú gì"
Nhà thơ Lại Hữu Kim khẳng định, bài thơ được chọn cho học sinh học trong SGK là "Sự thoái trào của nhận thức thẩm mỹ".
Trên facebook của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà giáo Ngọc Túy thất vọng: "Cứ xem cách thẩm định một bài văn hay đã thay đổi nên thơ cũng thay đổi chú ạ. Tính thẩm mỹ của ngôn ngữ đã mất dần, ai coi trọng ngôn ngữ thẩm mỹ bị xem là cổ hủ. Họ đời sống hóa thơ đến mức thô và ngô nghê".
Nhà thơ Nguyễn Quyết Thắng ngán ngẩm với quyết định của tác giả SGK khi chọn Bắt nạt vào chương trình SGK cho học sinh học : "Một khái niệm về từ láy mà còn không hiểu thì kém rồi. Đừng đưa sự ngô nghê ấy vào làm khuôn mẫu về văn chương cho trẻ nhỏ".
Thảm họa cho thơ nói riêng và văn học nói chung?
Nhà giáo Hoàng Dân đọc rất kỹ bài thơ, cho rằng “ Nếu bài thơ này nằm ở trang facebook cá nhân của tác giả hoặc ngay cả khi nó được in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN thì cũng chả có ai rỗi hơi mà ngó ngàng tới làm gì! Đằng này nó lại nằm chồm chỗm trong SGK Ngữ văn 6 mới! Tức là mặc nhiên nó được tôn vinh là một tác phẩm có tính giáo dục và tính thẩm mĩ cao! Chính điều này mới khiến dư luận nói chung, giáo viên và phụ huynh học sinh nói riêng buộc phải lên tiếng! Một thứ “chuẩn mực” của giáo dục để có thể dạy cho nhiều thế hệ học trò trong vài thập niên thì không thể coi là chuyện “ba mươi cũng tốt, ba mốt cũng ừ” được!”.
Nhà thơ Tô Hoàn thất vọng bởi các giá trị đích thực của thơ ca bị đảo lộn, khi bài thơ được đưa vào chương trình SGK cho học sinh học. "Bao nhiêu các vị GSTS văn chương đâu rồi? Đừng làm hỏng tâm hồn trẻ nhỏ". Nhà báo Trương Hữu Dực ngao ngán: "Nếu gọi bài "Bắt nạt" là thơ thì không còn gì để nói vì xét về mặt nghệ thuật nó không có một chút chất thơ nào...Nếu đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học quả thật là thảm họa cho thơ nói riêng và văn học nói chung"...
Đúng vậy, việc lựa chọn SGK để đưa vào chương trình SGK cần có những tiêu chí rõ ràng: Tác phẩm phải có tính thẩm mỹ, và tính giáo dục. Có nhà giáo ở Thái Nguyên cho rằng, bài này cũng có đôi ý, giáo dục trẻ em đừng bắt nạt nhau. Nhưng giáo huấn chưa đến độ. Cách nói cũng chưa được. Thà rằng tác giả viết toẹt ra thành bài văn xuôi , nghe đỡ chối hơn. Thơ ca gì mà lủng củng, híp hóp với mù tạt, với hôi hám, rồi trường thiên đừng bắt nạt, đừng bắt nạt mà ý chẳng mở, chỉ thấy lủng củng , từ lặp...
Bài thơ Bắt nạt của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) "Kết nối tri thức với cuộc sống" - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bài thơ được trích từ tập thơ Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25).
Theo thông tin Người Đưa Tin nắm được, hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang tiếp tục theo dõi và lắng nghe ý kiến của báo chí và dư luận.
Thạch Sơn