Bê bối sữa chứa melamine và những vụ thu hồi thực phẩm gây chấn động thế giới

Bê bối sữa chứa melamine và những vụ thu hồi thực phẩm gây chấn động thế giới

Nguyễn Lê Tùng Phong

Nguyễn Lê Tùng Phong

Thứ 7, 28/08/2021 13:20

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với cả DN và người tiêu dùng. Những vụ việc vi phạm ATTP, ảnh hưởng sức khoẻ khách hàng đều bị xử lý nghiêm.

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, phần lớn mọi người đều có cơ hội tiếp cận với nhiều loại thực phẩm và sản phẩm chế biến sẵn đến từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển. Những gì chúng ta ăn không còn phụ thuộc quá nhiều vào khí hậu hay điều kiện tại chỗ - 10 nguyên liệu trên bàn ăn có thể đến từ 10 địa phương, thậm chí 10 quốc gia khác nhau.

Thế nhưng, mặt trái của thực tế này là người tiêu dùng khó kiểm soát được những nguyên liệu có trong các sản phẩm chế biến sẵn hơn, cùng với đó là nỗi lo an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu do sai sót trong khâu sản xuất và chế biến thực phẩm. 

Đối với khách hàng, việc sản phẩm bị tồn dư chất gây hại hoặc chứa các nguyên liệu không phép ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là mạng sống của họ. Đối với nhà sản xuất, việc phát hiện và phải thu hồi sản phẩm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và lợi nhuận của doanh nghiệp khi họ phải đối đầu với các đơn kiện, khoản tiền phạt từ nhà quản lý và thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản.

Sau đây là một số vụ việc nổi bật trên thế giới mà trong đó nhà sản xuất đã phải thu hồi sản phẩm trên thị trường và chịu những hậu quả nặng nề từ hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

Nước quả Odwalla ở nhiễm E. coli (Mỹ, 1996)

Hồ sơ doanh nghiệp - Bê bối sữa chứa melamine và những vụ thu hồi thực phẩm gây chấn động thế giới

Các sản phẩm nước rau quả của Odwalla

Công ty Odwalla sản xuất nhiều sản phẩm nước hoa quả không tiệt trùng với mục đích nhắm đến thị trường khách hàng chuộng sản phẩm “có lợi cho sức khỏe”; công ty này trước đó cho rằng quá trình tiệt trùng sẽ làm suy giảm đáng kể chất dinh dưỡng và enzyme trong nước quả và làm thay đổi mùi vị. Tuy nhiên, hậu quả của cách làm này cuối cùng cũng đến vào tháng 10 năm 1996 khi giới chức y tế bắt đầu liên hệ một đợt bùng phát E. coli với sản phẩm nước táo của Odwalla. Cuộc điều tra diễn ra sau đó cho thấy rằng nước táo không được tiệt trùng chính là nguyên nhân của đợt bùng phát E. coli khiến 66 người nhiễm khuẩn và một em bé 16 tháng tuổi tử vong. 

Odwalla sau đó đã phải thu hồi hàng chục sản phẩm chứa nước táo và nước rau quả từ khoảng 4.600 cửa hàng theo khuyến nghị của nhà chức trách, tiêu tốn 6,5 triệu USD; công ty này cũng đồng thời mở một trang web và tổng đài để người tiêu dùng có thể hỏi về các sản phẩm bị thu hồi.

Giá cổ phiếu Odwalla sụt giảm 40%, doanh số giảm 90% và thua lỗ 11,3 triệu USD trong năm tài chính đó. Odwalla cũng bị kết tội phân phối nước quả nhiễm khuẩn và nhận hình phạt 1,5 triệu USD - hình phạt lớn nhất vào thời điểm đó với một vụ việc mất an toàn thực phẩm. 

Sản phẩm chứa lạc nhiễm khuẩn Salmonella (Mỹ, 2008-2009)

Hồ sơ doanh nghiệp - Bê bối sữa chứa melamine và những vụ thu hồi thực phẩm gây chấn động thế giới (Hình 2).

Hạ nghị sĩ Greg Walden cầm một hũ đựng sản phẩm chứa lạc của PCA trong một phiên điều trần năm 2009. Ảnh: CNN

Vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009, theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, có ít nhất 714 người ở 46 bang bị ngộ độc thực phẩm do ăn sản phẩm chứa lạc nhiễm khuẩn Salmonella, phân nửa trong đó là trẻ em; 9 người tử vong. Sản phẩm mà nhà chức trách xác định là nguyên nhân của các vụ ngộ độc này là một số sản phẩm từ lạc đến từ nhà máy của Peanut Corporation of America (PCA).

Vụ việc dẫn đến một trong những đợt thu hồi sản phẩm thực phẩm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, liên quan đến ít nhất 361 công ty và hơn 3.900 sản phẩm. Tháng 2/2009, PCA tuyên bố đệ đơn phá sản.

Sau các cuộc điều tra của cả bang Georgia, nơi có nhà máy trực tiếp liên quan đến vụ việc, và cuộc điều tra của cơ quan liên bang, các lãnh đạo của PCA và một số nhân viên chủ chốt bị đưa ra tòa và kết tội vào năm 2015. Stewart Parnell, cựu chủ tịch và CEO của PCA, bị kết án 28 năm tù giam; người em trai Michael Parnell bị kết án 20 năm tù giam. Mary Wilkerson, cựu quản lý đảm bảo chất lượng của PCA bị kết án 5 năm tù. Ngoài hậu quả trực tiếp cho PCA, ngành sản xuất lạc của Mỹ lúc đó cũng bị thiệt hại đáng kể do người tiêu dùng tránh mua các sản phẩm chứa lạc cộng với cuộc khủng hoảng kinh tế lúc đó, với ước tính thiệt hại tới ngành này lên tới 1 tỷ USD.

Bê bối sữa chứa melamine (Trung Quốc, 2008)

Hồ sơ doanh nghiệp - Bê bối sữa chứa melamine và những vụ thu hồi thực phẩm gây chấn động thế giới (Hình 3).

Các bị cáo trong phiên tòa bê bối sữa nhiễm melamine. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ngày 16/7 năm 2008, 16 trẻ sơ sinh ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc bị chẩn đoán mắc sỏi thận. Giới chức y tế và quản lý sản phẩm ở Trung Quốc nhận thấy rằng các em bé này đều đã uống sữa do tập đoàn Tam Lộc sản xuất.

Dần dần, sữa do Tam Lộc sản xuất cùng với đó là sản phẩm từ hàng chục doanh nghiệp khác ở Trung Quốc bị phát hiện có chứa melamine - một hợp chất bị cấm dùng với hàm lượng cao trong thực phẩm nhưng đã bị thêm vào nhằm tăng hàm lượng protein đo được để vượt kiểm tra chất lượng.

Cuộc điều tra diễn ra trong nhiều tháng sau đó xác định được hơn 290.000 nạn nhân đã uống phải sữa chứa melamine quá mức cho phép, trong số đó khoảng 54.000 trẻ đã phải nhập viện và 6 trẻ sơ sinh tử vong do sỏi thận và các bệnh khác về thận. 

Bê bối này đã làm chấn động ngành công nghiệp sữa ở Trung Quốc và cả thế giới do quy mô và mức độ nghiêm trọng của nó. Riêng Tam Lộc đã phải thu hồi khoảng 9.000 tấn sản phẩm, chưa kể việc hàng chục công ty Trung Quốc, công ty liên doanh và tập đoàn thực phẩm nước ngoài phải thu hồi sản phẩm sữa hoặc sản phẩm chứa sữa có dính líu đến bê bối melamine.

Khi tin tức về sữa nhiễm melamine bắt đầu lan truyền, ít nhất 25 quốc gia dừng nhập khẩu sản phẩm sữa từ Trung Quốc. Nguyên chủ tịch tập đoàn Tam Lộc Điền Văn Hoa bị kết án chung thân, trong khi Trương Ngọc Quân và Cảnh Kim Bình, hai bị cáo sản xuất và cung cấp melamine, bị kết án tử hình tháng 1/2009 và xử tử vào tháng 11 cùng năm.

Vụ việc sử dụng chất hóa dẻo DEHP trong thực phẩm (Đài Loan, Trung Quốc, 2011)

Hồ sơ doanh nghiệp - Bê bối sữa chứa melamine và những vụ thu hồi thực phẩm gây chấn động thế giới (Hình 4).

Ông Lại Tuấn Kiệt, một bị cáo trong vụ việc dùng DEHP làm chất tạo đục. Ảnh: Taiwan Focus

Vào tháng 5/2011, nhà chức trách Đài Loan bắt đầu phát hiện một số công ty đã dùng chất hóa dẻo DEHP - vốn bị coi là có khả năng ảnh hưởng đến hệ nội tiết và sự phát triển sinh lý bình thường - để thay thế dầu cọ làm chất tạo đục trong nhiều sản phẩm thực phẩm, bao gồm nước quả, đồ uống thể thao, mứt và sữa chua.

Một nhà sản xuất chất tạo đục nói rằng lý do các doanh nghiệp sử dụng DEHP không phải là chi phí mà bởi vì sản phẩm dùng DEHP có thể được bảo quản lâu hơn và có hình thức đẹp mắt hơn.

Theo The Economist, khoảng 900 sản phẩm đã bị thu hồi từ hàng chục nghìn đại lý bán lẻ ở Đài Loan (Trung Quốc) sau khi việc sử dụng DEHP bị phát hiện. Điều tra cho thấy hơn 300 nhà sản xuất nguyên liệu và sản phẩm cuối ở Đài Loan có sử dụng DEHP trong sản phẩm của mình.

Vụ bê bối cũng gây ảnh hưởng bên ngoài Đài Loan khi nhà chức trách ở Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia và một số nước khác cấm các sản phẩm nhập khẩu nhiễm DEHP hoặc thanh kiểm tra nhằm đảm bảo các sản phẩm liên quan đã bị thu hồi.

Lại Tuấn Kiệt, chủ công ty hóa chất Dục Thân chuyên cung cấp DEHP, cùng với vợ là Giản Linh Viên lần lượt bị kết án 15 và 12 năm tù giam; công ty này thì bị phạt 24 triệu Tân Đài tệ (hơn 800.000 USD). Phạm Thục Lan, chủ công ty hóa chất Kim Đồng vì cung cấp DEHP cho Lại Tuấn Kiệt cũng nhận bản án 8 năm tù giam và công ty này bị phạt 16 triệu Tân Đài tệ (gần 600.000 USD).

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.