Ngày 24/4, bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Trinh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu Tp.HCM, tại hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện cho biết, vào tháng 10/2021, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương được bố đưa đến khám vì vùng bụng có những đợt “chảy máu” kèm với đau bụng âm ỉ.
Khai thác bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm đều thấy sức khỏe bé hoàn toàn bình thường. Bố bé cho biết khoảng tháng 9/2021, da vùng bụng bé có những đợt "chảy máu" dù không thương tích gì. Ban đầu bé chảy máu 1-2 lần một ngày, mỗi lần mất khoảng 0,2 đến 0,5 ml máu, kéo dài khoảng 10 giây và tự ngừng chảy mà không cần xử trí gì. Tần suất chảy máu và lượng máu mất mỗi lần chảy tăng dần. Bên cạnh đó, bé hay đau bụng âm ỉ, gia đình đưa bé đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra nguyên nhân. Tất cả các xét nghiệm như công thức máu, đông máu, siêu âm bụng và CT Scan bụng đều không phát hiện bất thường.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận ngoài tình trạng chảy máu, sức khỏe của bệnh nhi hoàn toàn bình thường. “Chúng tôi nghĩ đến hiện tượng “mồ hôi máu”, đây là một hiện tượng chưa rõ căn nguyên nhưng theo y văn thế giới bệnh có liên quan đến yếu tố căng thẳng thần kinh, lo âu, sợ hãi, bị stress nặng, kéo dài.
Khi bị căng thẳng quá mức, sẽ gây kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, làm giãn mạng lưới mạch máu quanh tuyến mồ hôi. Nếu mạch máu giãn ra đến mức độ mà hồng cầu có thể đi qua được mạch máu và chui vào tuyến mồ hôi sẽ gây nên hiện tượng mồ hôi máu”, bác sĩ Trinh nói.
Theo bác sĩ Trinh, "mồ hôi máu" (Hematohidrosis) là hiện tượng cực kỳ hiếm gặp, trong khoảng 25 năm qua y văn thế giới chỉ ghi nhận khoảng 25 ca. Biểu hiện lâm sàng của hiện tượng này là mồ hôi tiết ra có lẫn máu. Ở thể nhẹ, mồ hôi có màu hồng nhạt, đặc biệt là vùng trán, lưng, bụng... Ở thể nặng, máu pha trộn mồ hôi chảy trên một số vùng da của cơ thể, có thể chảy ra từ mặt, lỗ mũi, miệng... thậm chí nước mắt cũng có máu.
Trong trường hợp này, bệnh nhân sau một thời gian dài cách ly xã hội do dịch Covid-19 đã phải trải qua những xáo trộn tâm lý nhất định. Bé tỏ ra buồn rầu, đòi được ngủ chung với bố mẹ, dù bé đã quen ngủ riêng từ năm 5 tuổi. Để đánh giá mang tính khách quan, các bác sĩ chuyển bé đến chuyên gia tâm lý - tâm thần khám, chẩn đoán rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em.
Bệnh nhi đã được điều trị trị tâm lí với thuốc an thần và điều chỉnh hành vi. Sau 2 tuần tình trạng cải thiện. Bên cạnh đó, tình trạng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 cũng được nới lỏng, bé được ra ngoài chơi và tiếp xúc bạn bè nhiều hơn nên đến khoảng cuối tháng 12/2021, bé đã hết hẳn những đợt chảy máu, cảm giác đau bụng âm ỉ cũng không còn nữa.
Theo bác sĩ Trinh, "mồ hôi máu" nhìn chung lành tính, thoáng qua và bệnh có thể tự giới hạn. Điều quan trọng nhất là phát hiện và xử lý các bệnh kèm theo, đồng thời giảm stress, lo âu, căng thẳng bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý.
Quốc Tiệp (theo Tiền phong, VnExpress)