Mới đây, BS CKI Nguyễn Thanh Sang (Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố) đã chia sẻ hình ảnh lòng bàn tay của một đứa trẻ uống 10 – 12 hộp sữa tươi một ngày, tương đương 1800 – 2100ml sữa mỗi ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cung cấp thông tin, mẹ bé bận việc nên toàn mua cơm ngoài về ăn cùng bà ngoại. Còn bé ngủ dậy thì bà ngoại cứ khui sữa cho uống.
Thấy bé xanh xao, nhiều người khuyên đi khám bệnh, nhưng bà ngoại bé không nghe. Khi cha bé đi công tác xa trở về, bé mới được đưa đi xét nghiệm. Một bệnh viện tại An Giang xét nghiệm và lập tức chuyển bé đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Sang cho biết chỉ số Hemoglobin (HGB) của bé gái này chỉ có 3,1 trong khi tiêu chuẩn phải từ 11,5 đến 13,5. Điều đó có nghĩa bé có chỉ số bằng 1/3 so với mức bình thường.
“Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Nếu uống sữa quá nhiều, bé sẽ cảm thấy đủ năng lượng, biếng ăn. Cha mẹ sợ con đói, lại cho uống thêm sữa. Cứ thế, vòng xoay biếng ăn càng nặng hơn. Chưa kể, thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến cả phát triển tâm sinh lý của bé sau này”, bác sĩ Sang cảnh báo.
Có 3 nguyên nhân khiến uống sữa tươi nhiều gây thiếu máu thiếu sắt:
- Thứ nhất, sữa tươi chứa hàm lượng canxi, phospho cao gấp 4-5 lần sữa mẹ. Tuy nhiên, nồng độ canxi, phospho cao ấy lại là nguyên nhân cản trở ruột hấp thụ sắt từ thức ăn.
- Thứ hai, sữa tươi chứa 80% protein casein (trong khi sữa mẹ chứa 40% casein) nên nó cản trở ruột hấp thụ sắt.
- Thứ ba, sữa tươi hay sữa mẹ đều chứa rất ít sắt. Nhưng trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn không thiếu sắt 4 tháng đầu đời là nhờ lượng sắt dự trữ trong gan của con. Còn trẻ sau 4 tháng tuổi, đặc biệt sau 12 tháng là phải chọn chế độ ăn giàu sắt rồi.
Theo BS Sang, sữa tươi là thực phẩm rất cần thiết đối với trẻ từ 1 tuổi. Nhưng nó không phải là tất cả. Việc sử dụng nhiều hơn 600ml sữa tươi mỗi ngày sẽ đẩy con bạn vào nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
Trang Dung (t/h)