Bệ phóng giúp thanh niên vùng biên Kon Tum khởi nghiệp thành công

Bệ phóng giúp thanh niên vùng biên Kon Tum khởi nghiệp thành công

Chủ nhật, 30/03/2025 08:00

Nhờ sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương, thanh niên vùng biên giới tỉnh Kon Tum thay đổi tư duy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững

Đổi mới tư duy làm giàu

Nhờ sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền, đời sống thanh niên vùng biên Kon Tum ngày càng được cải thiện. Thông qua tập huấn, hỗ trợ vốn vay và khởi nghiệp sáng tạo, nhiều người mạnh dạn thử sức, vươn lên thoát nghèo.

Trên vùng đất khô cằn, không ít thanh niên khẳng định ý chí, làm chủ trang trại, phát triển vườn cây trĩu quả, tạo hiệu quả kinh tế cao. Tinh thần dám nghĩ, dám làm đã góp phần thay đổi diện mạo vùng biên.

Không chỉ làm giàu, họ còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bệ phóng giúp thanh niên vùng biên Kon Tum khởi nghiệp thành công- Ảnh 1.

Chính quyền địa phương mời các chuyên gia kỹ thuật về tận làng hướng dẫn người dân nắm bắt kỹ thuật trồng sâm.

Anh A Theng, Bí thư Đoàn xã Đăk Long cho biết, nhờ sự quan tâm của chính quyền, nhiều hộ gia đình đã được tham gia học tập mô hình kinh tế hiệu quả.

Đoàn xã cũng mời chuyên gia nông nghiệp và chủ mô hình giỏi về hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây và phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất đạt năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định.

Sau những chuyến học tập, người làng áp dụng khoa học kỹ thuật, biến đất cằn thành vườn cây xanh tốt, đàn gia súc phát triển. Những ngôi nhà mới khang trang dần thay thế mái tranh nghèo khó, minh chứng cho sự đổi thay vùng biên.

Bệ phóng giúp thanh niên vùng biên Kon Tum khởi nghiệp thành công- Ảnh 2.

Anh A Theng, Bí thư Đoàn xã Đăk Long giới thiệu về mô hình trồng cây mắc ca xen với cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Theng phấn khởi chia sẻ: "Chứng kiến sự đổi thay của bà con, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên, chúng tôi vô cùng vui mừng. Giờ đây, nhiều thanh niên không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng. Tôi tin rằng, với tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, thanh niên vùng biên sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển".

Vươn lên thoát nghèo

Sau đó, anh Theng hào hứng dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh A Tâm (32 tuổi, đoàn viên Chi đoàn thôn Măng Tách, xã Đăk Long), một thanh niên tiêu biểu đã vươn lên thoát nghèo từ hai bàn tay trắng nhờ mô hình sản xuất hiệu quả.

Giữa trưa vùng biên, nắng như đổ lửa, hơi nóng hầm hập phả lên từ mặt đất. Thế nhưng, giữa cái oi ả ấy, vườn cà phê của anh Tâm vẫn xanh mướt, hoa trắng xóa cả một vùng, tỏa hương thơm dịu trong gió.

Anh Tâm phấn khởi chia sẻ: "Trước đây, tôi không nghĩ mình có thể sở hữu một vườn cà phê tốt như thế này. Nhờ chính quyền tạo điều kiện cho đi học hỏi kinh nghiệm, tôi đã biết cách chọn giống, áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới. Giờ đây, cây ít sâu bệnh, năng suất cao hơn hẳn. Mỗi mùa hoa nở, nhìn vườn cây xanh tốt, tôi càng tin rằng nếu chịu khó học hỏi và áp dụng cái mới, chắc chắn mình sẽ có một cuộc sống tốt hơn".

Bệ phóng giúp thanh niên vùng biên Kon Tum khởi nghiệp thành công- Ảnh 3.

Vùng đất biên giới khắc nhiệt, cằn cỗi ngày nào giờ được anh Tâm cải tạo, thành những vườn cà phê cho thu hoạch cao.

"Sau hơn 7 năm miệt mài chăm sóc, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tôi đã gây dựng được khoảng 1.000 cây cà phê và hơn 1 hecta cây bời lời. Năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, vườn cà phê mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình có nguồn thu ổn định, mua sắm được xe máy và nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. Với số vốn tích lũy được, năm tới, tôi dự định mở rộng thêm diện tích trồng cà phê để cải thiện đời sống gia đình", anh Tâm chia sẻ.

Trong số những mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên địa phương, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình trồng sâm Ngọc Linh của anh A Thịnh (25 tuổi, đoàn viên Chi đoàn thôn Pu Tá, xã Măng Ri).

Giữa vùng đất khắc nghiệt, nơi bao đời nay người dân chủ yếu canh tác nương rẫy, trồng lúa, trồng mì, A Thịnh đã mạnh dạn rẽ hướng sang trồng sâm với khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình.

Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi, vườn sâm hơn 1.000 gốc sâm của anh phát triển xanh tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Đứng giữa những luống sâm căng tràn sức sống, anh tự hào chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ biết làm rẫy, cuộc sống bấp bênh. Nhờ học hỏi kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật mới, giờ tôi đã sở hữu một vườn sâm có giá trị. Tôi tin rằng, nếu dám nghĩ, dám làm và kiên trì theo đuổi ước mơ, ai cũng có thể thành công".

Bệ phóng giúp thanh niên vùng biên Kon Tum khởi nghiệp thành công- Ảnh 4.

Sau nhiều năm kiên trì, vườn sâm hơn 1.000 gốc của anh Thịnh phát triển xanh tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định

Nhìn những luống sâm vươn lên xanh mướt, anh Thịnh càng thêm tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Anh không chỉ tạo dựng kinh tế vững chắc cho gia đình mà còn trở thành tấm gương cho nhiều thanh niên khác noi theo, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nghèo.

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, cho biết: "Thời gian qua, các chương trình và hoạt động của Tỉnh đoàn đã góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó, trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề, cũng như ý thức tôn trọng pháp luật của thanh niên được cải thiện đáng kể. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế mới và những cá nhân tiêu biểu đã xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực phát triển cho địa phương.

Trong 2 năm 2023 và 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức tuyên dương và trao tặng bằng khen cho 42 đoàn viên, thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và những tấm gương khởi nghiệp thành công tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.