Tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài và sánh đôi bên hoàng tử là mơ ước của biết bao nàng công chúa. Ấy vậy mà ngoài đời đó lại là một chứng bệnh khắc nghiệt 1/1.000.000 người mới mắc phải.
Rhoda Rodriguez-Diaz, 21 tuổi, là sinh viên tâm lí học ở thành phố Leicester, Anh.
Cô nổi tiếng trong trường bởi khả năng ngủ vi diệu. Một cái chợp mắt của nữ sinh có thể kéo dài tới 22 giờ mỗi ngày. Rhoda thường tỉnh dậy trong trạng thái mộng du, ăn uống và đi vệ sinh, những chuyện này cô ấy không thể ý thức được.
Rhoda bắt đầu phát bệnh từ 18 tuổi, đến 21 tuổi, cô gái mới phát hiện bản thân mang căn bệnh cực hiếm. Nhưng đến tháng 9 năm ngoái, Rhoda mới biết chính xác bệnh hiếm mà mình gặp phải.
Rhoda đã trải qua "đợt ngủ" bình thường suốt cả tháng trời, nhưng rồi căn bệnh lại bộc phát và đánh gục cô.
"Cuộc sống vẫn tiếp tục khi tôi ngủ. Đó là điều tai hại nhất của bệnh này. Ngay từ hồi 3, 4 tuổi, tôi luôn cảm thấy mình không có đủ thời gian cho mọi thứ, ngay cả việc đi chơi với bạn bè cũng không thể thỏa mãn vì phải trải qua những giấc ngủ dài khó chịu", Rhoda Rodriguez-Diaz tâm sự.
Rhoda nhớ lại: "Khi tôi lên bốn hoặc năm tuổi, tôi đã có thể ngủ hai hoặc ba tuần nhưng các bác sĩ không thể chẩn đoán đó là bệnh gì. Rất may, việc ấy chỉ xảy ra đúng 1 lần cho đến khi tôi 15 -16 tuổi, tôi ngủ ngày càng nhiều hơn và thường xuyên bị bạn bè trêu chọc".
"Khi thức dậy, tôi đau đớn nhận ra mình đã bỏ lỡ 1 tuần. Điều tồi tệ hơn là thật khó để giải thích cho người khác hiểu dù tôi có đấu tranh hoặc giải thích cỡ nào đi chăng nữa", cô nói thêm.
Rhoda lên kế hoạch sẵn sàng và báo cho người thân khi cô cảm thấy bị giấc ngủ dài kéo đến, cùng với đó nhờ bạn bè cập nhật tình hình đã xảy ra khi cô ngủ li bì.
Căn bệnh mà Rhoda Rodriguez-Diaz mắc phải chính là Hội chứng Kleine-Levin (KLS) hay còn gọi là hội chứng "người đẹp ngủ" - hiện tượng rối loạn thần kinh về giấc ngủ và ăn uống hiếm gặp với tỷ lệ là 1/ 1.000.000 người.
Hiện nguyên lý phát bệnh này vẫn chưa rõ, đồng thời cũng chưa có phương pháp trị liệu hiệu quả, song căn bệnh có thể tự mất sau 8-12 năm.
Tình hình xảy ra trầm trọng khiến tâm trạng và chỉ số cân nặng của cô luôn bất ổn. Cô thường xuyên ngủ quên ngày giờ, bỏ lỡ quá nhiều kì thi nên đã bị đánh rớt, không được lên năm 3 đại học.
Căn bệnh khiến Rhoda vô cùng khổ sở. Cô kể: "Tôi cảm thấy rất phiền khi ai cũng nghĩ mình lười biếng, nhưng tôi không thể làm gì với căn bệnh này. Nó chỉ là 1 phần chứ không phải toàn bộ con người tôi. Dù vậy, vì nó quá hiếm gặp nên mọi người chẳng thể hiểu được".
Thường thì bạn bè của Rhoda có thể biết lúc nào cô đang trải qua giai đoạn khó khăn, vì lúc ấy, cô gái sẽ mệt mỏi gắt gỏng hơn bình thường.
Về phía nhà trường, họ thông cảm cho phép Rhoda học lại năm thứ 2, vì việc không đến lớp là do căn bệnh bất khả kháng.
"Thật khó chịu khi mọi người gọi tôi là lười biếng. Tôi đấu tranh để đối phó với những ảnh hưởng của việc ngủ. Thật là bực bội vì tôi không thể nào ngăn chặn những giấc ngủ", Rhoda tâm sự.
Minh Anh