Mới đây, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện khoa đang điều trị cho gần 100 ca bệnh sốt xuất huyết, có dấu hiệu cảnh báo tiền sốc. Theo BS Phạm Hồng Lâm, trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị hơn 800 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đáng chú ý, số ca bệnh nặng tăng mạnh từ đầu tháng 8 đến nay. Bệnh nhân nhập viện gia tăng khiến công tác khám chữa bệnh bị quá tải.
“Đặc biệt năm nay số bệnh nhân sốc và số cảnh báo chiếm tỉ lệ rất lớn. Trước tình hình số bệnh nhân đông và nhiều chủng loại bệnh, Bệnh viện vùng cũng gặp những khó khăn, nhân lực thiếu. Hiện tại, chúng tôi được tăng cường 3 điều dưỡng, 2 bác sĩ các khoa bạn nữa thì tổng số 20 đến 22 người, phục vụ có lúc lên 150 bệnh nhân, một người phải làm việc bằng 3, số giường bệnh và phòng bệnh cũng hết, thậm chí có những lúc phải kê hành lang, phải nằm giường xếp”, BS Lâm nói.
Là một trong những bệnh nhân hôn mê vì bệnh sốt xuất huyết lâu, bà Mạc Thị Pun, sinh năm 1955, thôn Ea K’rái, xã Dlei Ya, huyện Krông Năng sau khi tỉnh táo trở lại vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Bà kể, ngày 9/8 bà có dấu hiệu sốt, toàn thân đau nhức nên được người nhà đưa vào bệnh viện huyện khám. Sau hai ngày nằm viện, trên vùng bụng xuất hiện viết bầm tím và bị hôn mê, bà được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Đến nay, sức khỏe bà Pun đã hồi lại.
Cạnh giường bệnh của bà Mạc Thị Pun, bà H’Nhét Buôn Tô, ở xã Ea Tua, huyện Cư Kuin, cẩn thận chỉnh sửa lại cánh tay đang phải chuyền tiểu cầu của con trai là Y’Hông Buôn Tô. Bà H’Nhét cho biết, Y’Hông bị bệnh máu không đông bẩm sinh. Khoảng 10 ngày trước, thấy con bị sốt, tiêu chảy, bà liền đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau 1 tuần điều trị tích cực, đến nay sức khỏe của Y’Hông đã hồi phục dần.
Trao đổi về tình hình dịch sốt xuất huyết, ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Tính đến ngày 16/8, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 3.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 5 người tử vong. Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào cuối tháng 8 và tháng 9, điều này có thể dẫn đến nguy cơ quá tải tại các bệnh viện.
Không chỉ ở Đắk Lắk, tình hình dịch sốt xuất huyết ở Tp.HCM cũng đang diễn biến phức tạp và ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới. Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Tp.HCM, trong ngày 15/8, toàn thành phố phát hiện 550 ca mắc sốt xuất huyết mới. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, thành phố có 43.591 ca mắc sốt xuất huyết.
Trong ngày 15/8 có 450 ca sốt xuất huyết nhập viện, 668 ca xuất viện. Cũng trong ngày này ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 18 ca.
Hiện có 1.777 ca đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 1.111 ca là người lớn, 666 ca trẻ em, 20 ca phụ nữ mang thai. Số ca nặng là 147 ca. Có 17 ca đang thở máy xâm lấn, 4 ca đang lọc máu.
Cũng trong ngày 15/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, địa phương vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số người chết của tỉnh này lên con số 15.
Hai trường hợp tử vong mới là người lớn, ở thành phố Dĩ An và huyện Bàu Bàng. Chẩn đoán cho thấy các bệnh nhân bị suy đa tạng do sốt xuất huyết và sốt xuất huyết Dengue nặng.
Ngành Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương vận động người dân giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ ổ lăng quăng.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 10.020 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca tử vong. So với năm 2021 thì năm nay số ca mắc, số ca tử vong do sốt xuất huyết đều tăng.
Trong số 15 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Bình Dương, có 8 ca tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 53,33%. Các địa phương có số ca tử vong là: thị xã Tân Uyên: 4 ca, thành phố Dĩ An: 6 ca, thành phố Thuận An: 2 ca, thành phố Thủ Dầu Một: 1 ca và huyện Bắc Tân Uyên: 2 ca.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, mỗi người cần: ngăn muỗi tiếp xúc nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được; sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi (thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng).
Dùng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi, không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước, thường xuyên làm sạch vật chứa nước, thay đổi hình thức trữ nước (dùng trực tiếp từ vòi nước)...
H.Anh (T/h theo VOV, Tuổi Trẻ)