Mới đây, bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục đã được áp dụng giảng dạy từ 1978, nhận nhiều phản hồi tích cực, bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng 1.
Thậm chí, sách Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục còn bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ. Trong đó, phần lớn là những nội dung bị hội đồng đánh giá là “vượt chương trình” hay “quá khó với học sinh lớp 1”.
Thăng trầm 40 năm được giảng dạy trong học đường
Tuy nhiên, bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục hoàn toàn không phải là một công trình nghiên cứu mới, đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua. Trong thời gian đó, đã tiếp cận khoảng 900.000 học sinh. Đến nay bộ sách nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương cho rằng sách đặc biệt có tính ứng dụng cao với trẻ lớp 1.
GS. Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm công nghệ giáo dục tại Hà Nội từ năm 1978, ông phát triển bộ sách riêng phù hợp với phương châm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. Một năm sau, cả nước thống nhất học chung bộ sách cải cách giáo dục lần thứ ba, riêng trường Thực nghiệm công nghệ giáo dục học sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Đến năm 1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lớp 1 bị lưu ban, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình đã khuyến khích các địa phương học theo bộ sách này, hướng đến chương trình công nghệ giáo dục được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành.
Năm 2000, bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung trên toàn quốc, sách công nghệ giáo dục bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến đến năm 2006, GS. Hồ Ngọc Đại lúc này đưa sách giáo khoa công nghệ giáo dục quay trở lại học đường. GS. Hồ Ngọc Đại đã mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số; và Lào Cai là địa phương đề nghị áp dụng đầu tiên.
Hai năm sau, bộ GD&ĐT đồng ý cho thí điểm bộ sách này ở 5 tỉnh gồm Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm chương trình được nhân rộng thêm ở các tỉnh khác.
Đến năm 2013, thuật ngữ “thí điểm” đã được bỏ đi khi sách Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục được xem là tài liệu, phương án dạy học chính thức để các tỉnh, thành lựa chọn.
Theo đó, phụ huynh nào đồng ý cho con học theo bộ sách Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục thì học, còn phụ huynh nào không đồng ý, trường sẽ chuyển học sinh đó sang lớp khác. Tuy nhiên, nếu phụ huynh đã chuyển lớp cho con học theo bộ sách Tiếng Việt trước đó thì không thể chuyển ngược lại cho học bộ sách Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục.
Thực tế tại một số địa phương áp dụng chương trình này, số lượng các trường đăng ký thực hiện dạy Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục đã ngày một tăng dần.
Tính đến năm học 2014-2015, cả nước có 37 tỉnh thành áp dụng chương trình dạy học theo công nghệ giáo dục. Con số này tiếp tục tăng lên thành 48/63 tỉnh thành sau hai năm.
Ngay từ khi “thai nghén” đến khi hoàn thành bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục này, GS. Hồ Ngọc Đại đã có những tính toán rõ ràng: “Tôi đưa vào sách lớp 1 những thứ tốt đẹp nhất với mong muốn đất nước có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Trẻ con làm gì cũng có cái lý.
Vì vậy, người lớn không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ con, bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con, không có quyền áp đặt trẻ. Đặc biệt, bố mẹ hãy cho các con được hưởng những cái mới chưa ai có. Người lớn, giáo viên phải 'chịu thua' để dạy trẻ.
Tôi đã tính toán hết, cũng phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin, trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được”.
Sau chặng đường 40 năm được nhiều trường phổ thông áp dụng giảng dạy và nhận nhiều phản hồi tích cực, bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục lại bất ngờ bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại ngay từ vòng đầu tiên, với xếp loại “Không đạt”.
Theo ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, bộ GD&ĐT, hội đồng thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới được thành lập theo Thông tư 33, mỗi môn ít nhất 7 người (luôn là số lẻ). Thành phần gồm các giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giáo sư đang công tác ở đại học, ít nhất 1/3 là giáo viên đang dạy ở mọi vùng miền.
Sau khi nhận được bản thảo, thành viên trong hội đồng sẽ đọc trong 15 ngày với tinh thần tiếp cận, tìm hiểu độc lập, sau đó sẽ họp tập trung. Trong thời gian họp, hội đồng nghe tác giả bản thảo sách trình bày nội dung và quan điểm, sau đó có 3-5 ngày làm việc độc lập để có buổi phân tích, đưa ra kết luận với bản thảo sách giáo khoa vòng 1. Trong buổi này, tác giả viết sách sẽ đến nghe ý kiến.
Theo Thông tư 33, việc thẩm định sách giáo khoa có ba mức là “Đạt”, “Đạt nhưng cần chỉnh sửa” và “Không đạt”. Nếu “Đạt nhưng phải sửa”, tác giả sẽ có một tháng để sửa và nộp lại. Nếu “Không đạt”, tác giả và nhà xuất bản có quyền chỉnh sửa và đề nghị hội đồng thẩm định lại, được xem như thẩm định lần đầu.
Như vậy, bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại có thể chỉnh sửa và đề nghị được thẩm định lại, nhưng ông khẳng định sẽ không sửa, bởi công trình của ông đã được thực hiện bằng cả một đời người. Nếu điều chỉnh đồng nghĩa với việc, bản thân ông không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn.
Niềm tiếc nuối của nhiều phụ huynh
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con học chương trình công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại không khỏi ngỡ ngàng.
Chị Hồ Huyền (Hà Nội) bày tỏ sự tiếc nuối: “Tôi sáng nay nghe thông tin này mà ngỡ ngàng! Sao lại phủ nhận một phương pháp đã thành công với hàng triệu học trò trong suốt mấy thập kỷ qua như vậy. Nói một cách đơn giản là cách truyền thống đi từ ảnh đến âm cũng đâu hoàn hảo, đi như cách của GS. Hồ Ngọc Đại, từ âm đến ảnh cũng chắc chắn không hoàn hảo. Nhưng quan trọng là điều đó không hề sai! Nếu kết hợp được cả hai cách vào thành một thì mới là lý tưởng. Nhưng trẻ em thì không thể tiêu hoá được những cái gọi là hoàn hảo ấy!”.
Chị Mai Anh, một phụ huynh có con học chương trình công nghệ giáo dục chia sẻ: “Phương pháp học Toán của công nghệ giáo dục, nói giỏi thì tôi không dám khẳng định, nhưng tôi phải thừa nhận là các con sẽ đc phát triển tư duy logic rất tốt! Nghe nói học giải phương trình rồi tìm nghiệm có vẻ cao siêu lắm, nhưng thực tế, các con làm được bài rất tốt.
Hay như các con phân tích theo bộ phận và toàn thể ở dạng bài giải toán có lời văn, cách làm này rất rõ ràng, mạch lạc. Thứ mà tôi muốn cảm ơn thầy Đại nhiều nhất là bộ môn Giáo dục lối sống, các con được học là môn học chính khóa. Quyển sách được viết vô cùng thực tế và hữu ích”.
Chia sẻ về hiệu quả của bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục mang lại, chị Nguyễn Thúy Hằng cho biết: “Con tôi cũng học chương trình này và giờ đã lên lớp 4. Cả hai mẹ con cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi con đã trải qua những năm tháng đầu cấp một cách vui vẻ và nhẹ nhàng. Giờ chỉ vì lý do nào đó mà phủ nhận cả một công trình nghiên cứu của một vị giáo sư đã dành tâm huyết cả đời cho sự nghiệp giáo dục thì không biết phải nói sao!”.
Anh Bùi Ngọc Phúc, một phụ huynh có con học chương trình công nghệ giáo dục chia sẻ: “Nói thật, nếu nói giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, vậy các con học chương trình sách giáo khoa nào mà giảm tải, đến trường cảm thấy hạnh phúc là thành công rồi.
Gia đình tôi có hai con đều học trường Thực nghiệm, bạn bé mới lớp 4 thì chưa bàn đến, nhưng bạn lớn đã học đủ 9 năm tại Thực nghiệm. Bây giờ, nếu hỏi con cảm thấy thế nào, bạn ý ngay lập tức trả lời, con cảm thấy may mắn khi được học ở đó, đơn giản vậy thôi!”.
Chị Ngọc Hương (Hà Nội) bày tỏ: “Thực sự, nếu chương trình này không được áp dụng nữa thì tôi phải nói rằng, con tôi quá may mắn khi đã vừa học xong. Với tình trạng viết sai chính tả ở khắp nơi nơi thì việc một đứa trẻ từ chưa biết chữ, sau 1 năm đã đọc được, viết được, nghe phát âm là ghi được chữ không sai chính tả thì không thể nói chương trình này không tốt được”.
Hiện tại, hội đồng thẩm định các môn đã làm xong vòng 1 và hiện chuẩn bị thẩm định vòng 2. Theo đánh giá chung của hội đồng là các tác giả rất tâm huyết, làm sách công phu, trách nhiệm. Tuy nhiên, một số sách ở môn thể dục, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, Toán, Tiếng Việt hay Đạo đức “Không đạt”.
Bản thảo sách giáo khoa lớp 1 “Đạt” sẽ được Bộ trưởng bộ GD&ĐT công bố trong tháng 10. Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học những sách này.