Một người phụ nữ làm chủ cơ sở kinh doanh tôm khô ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau vừa bị “bạn” lừa hơn 800 triệu đồng. Là người làm công ăn lương, tôi phải suy nghĩ một lúc mới nhẩm đủ số 0 trong khoản tiền bị chiếm đoạt, ngỡ rằng kẻ gian phải sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi, chưa từng công bố, nào ngờ mánh lừa vẫn một màu cũ rích: Kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội, thông báo chuyển một món quà có giá trị lớn từ nước ngoài rồi giả danh hải quan sân bay bắt nạn nhân phải nộp tiền nếu muốn nhận quà.
Người phụ nữ nhắc tới ở trên được người bạn ảo hứa hẹn gửi hơn 1 triệu USD để chị lấy vốn kinh doanh. Tin tưởng hộp quà của mình chứa quá nhiều ngoại tệ nên bị hải quan sân bay giữ lại, chị liên tiếp chấp nhận nộp “tiền phạt” vào tài khoản của và sau đó? Không có “sau đó”, ngoại trừ chuyện chị phải tới cơ quan công an phản ánh việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Rốt cục, chính người phụ nữ nhẹ dạ đã chứng minh câu “đời chẳng ai cho không ai cái gì” là sai, bằng cách tự nguyện đem một khoản tiền lớn dâng cho người lạ.
Sẽ có người lập luận rằng: Bởi miếng mồi quá đỗi ngọt ngào, hấp dẫn nên nạn nhân càng dễ bị cám dỗ và đặt niềm tin nhầm chỗ. Nhưng hãy xem thời gian qua, đã bao lần các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin cảnh báo về các vụ lừa đảo qua blog, mạng xã hội… với hàng loạt cái gương tày liếp tan cửa nát nhà, tán gia bại sản. Lẽ nào kẻ xấu đã nghĩ ra một chiêu thức thôi miên mới, khiến người có thời gian và điều kiện lên mạng lâm vào tình trạng u mê, tin bạn sái cổ?!
Nếu coi việc bị lừa là một “cái hạn” theo quan niệm dân gian, thì hạn này chỉ có thể khởi phát bởi lòng tham!
Ngân Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác gi